Bố mẹ hãy đồng hành học trực tuyến với con

T/H | 10/09/2021, 08:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần 700.000 học sinh tiểu học TP Hồ Chí Minh đang dần làm quen với phương pháp học trực tuyến. Những ngày này, sự đồng hành của bố mẹ đặc biệt quan trọng.

Tăng hoạt động tương tác thầy và trò

Chị Thảo Nguyên, phụ huynh có con đang học lớp 3, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), cho biết trong 2 ngày qua con chị tham gia học trực tuyến khá suôn sẻ, không gặp trục trặc về đường truyền mạng.

phu-huynh-hoc-truc-tuyen.jpg
Bố mẹ hãy tạo cho con tâm lý thoải mái khi học trực tuyến

Trong năm học trước, các con đã được làm quen phương pháp học trực tuyến theo hình thức E-learning (xem video clip bài giảng được ghi hình sẵn). Năm học này, nhà trường đã thay đổi hình thức học tập trực tuyến theo hướng tăng cường tương tác trực tiếp với giáo viên thông qua các phần mềm dạy học khiến con rất háo hức. Đặc biệt, sau 3 tháng hè không được gặp bạn bè, tâm trạng của bạn nào khi trở lại trường cũng hứng khởi.

Cô giáo dành phần lớn thời gian trong 2 ngày học đầu tiên để giúp các con làm quen với cách thức tương tác qua phần mềm trực tuyến.

Cũng với tâm lý thoải mái, Nguyễn Hoàng Quân, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học thực hành - Đại học Sài Gòn (quận 3) trải qua 2 buổi học trực tuyến đầy ắp tiếng cười. Cậu bé khoe đã nhớ tên giáo viên chủ nhiệm và nhiều bạn trong lớp, biết cách bấm vào biểu tượng giơ tay trên màn hình khi muốn phát biểu, bật và tắt camera cũng như trình bày ý kiến cá nhân khi gõ vào ô trò chuyện.

Nhiều phụ huynh cho biết, các con có hơn một tuần tập trung trước khi chính thức bước vào chương trình năm học mới nên không khí học khá thoải mái.

Cô Nguyễn Thị Thu Vân, Khối trưởng Khối 1, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, để tạo hứng khởi cho học sinh, cô đã lồng ghép nhiều trò chơi như chọn câu trả lời đúng/sai, vỗ tay theo nhịp bài hát, cô và trò cùng bật camera nhìn nhau thực hiện nhiều động tác khởi động.

Cô Vân nhận xét, học sinh lớp 1 không có khả năng tập trung lâu như các anh, chị lớp lớn hơn. Do đó trong tiết dạy, dù thời khóa biểu được thiết kế thời lượng 30 phút nhưng cô cố gắng cô đọng kiến thức trọng tâm, cốt lõi truyền tải cho học sinh trong 20 phút, sau đó dành 5 - 10 phút còn lại để tổ chức trò chơi, không để học sinh ngồi tập trung quá lâu trước máy tính.

Trong ngày đầu tiên cô - trò gặp gỡ, giáo viên này cho học sinh giới thiệu về bản thân, chia sẻ thói quen, sở thích cũng như hình ảnh gia đình để tạo không khí thân mật, gần gũi.

“Học trực tuyến tuy có hạn chế về khả năng tương tác trực tiếp nhưng ngược lại không gian lớp học được mở rộng, trẻ ngồi học bên cạnh có ba mẹ động viên, nhắc nhở nên hầu hết đều tự tin khi giơ tay phát biểu”, cô Vân chia sẻ.

Tổ chức nhiều hình thức học tập

Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) dành ngày tập trung đầu tiên để giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ phụ huynh theo hình thức trực tuyến. Sau đó, từ ngày 9/9, học sinh được làm quen với giáo viên chủ nhiệm qua ứng dụng Google Meet. Nhà trường khuyến khích các con có ba mẹ ngồi cạnh hỗ trợ thao tác khi gặp khó khăn trong ngày học đầu tiên, tuy nhiên từ ngày thứ 2 trở đi, học sinh sẽ tự thao tác, đăng nhập trở lại nếu bị “văng” ra khỏi lớp học do trục trặc đường truyền. Đây là một trong những yêu cầu giúp học sinh chủ động hơn trong quá trình học tập.

Một cách làm khác, song song với việc tổ chức cho học sinh làm quen với không khí học tập năm học mới, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1) đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề trường học hạnh phúc, tạo thêm sân chơi giao lưu giúp học sinh hứng khởi hơn.

Tại Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình), thời khóa biểu học trực tuyến tập trung vào các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa học và Lịch sử - Địa lý. Thời lượng mỗi bài giảng không quá 20 phút, giáo viên kết hợp lồng ghép sinh hoạt chủ nhiệm vào cuối tiết học. Riêng với yêu cầu thực hành, phiếu luyện tập được thầy cô thiết kế dưới dạng văn bản word hoặc pdf, học sinh thao tác trực tiếp trên máy tính hoặc in ra giấy, làm bài tập sau đó chụp hình gửi lại giáo viên.

Theo một cán bộ Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), chương trình học trên truyền hình do Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện dành cho học sinh khối 1, 2 sẽ bắt đầu phát sóng từ 13/9. Trong đó, tuần lễ đầu tiên giúp học sinh lớp 1 làm quen với phương pháp học tập ở bậc tiểu học và củng cố kiến thức cho học sinh lớp 2. Nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh có thể tham gia học cùng con, các chương trình sẽ được phát sóng 3 lần/ngày cùng một nội dung vào nhiều khung giờ khác nhau, tập trung chủ yếu 2 môn Toán và Tiếng Việt.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, trong bối cảnh nhà trường phải đóng cửa, giải pháp duy nhất để duy trì việc học là học từ xa gồm học trực tuyến và học qua truyền hình. Học qua mạng có thể chưa là giải pháp tốt nhất nhưng vẫn tốt hơn không học gì cả. Việc duy trì việc học không chỉ giúp phát triển kiến thức mà cả kỹ năng, cảm xúc xã hội cho học sinh. Trong đó, thầy cô cần được trang bị nhiều hơn kỹ năng sư phạm khi dạy học online như đặc điểm tâm lý, khả năng tập trung của học sinh, cách thu hút học sinh tham gia các hoạt động, quản lý lớp online…

Bài liên quan
Hà Nội: Học sinh lớp 1 học trực tuyến từ ngày 13/9
So với các khối lớp khác, học sinh lớp 1 công lập của Hà Nội sẽ học trực tuyến muộn hơn một tuần, tức bắt đầu từ ngày 13/9 trong khi khối lớp khác học từ 6/9.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bố mẹ hãy đồng hành học trực tuyến với con