“Muốn lấy điểm tuyệt đối ở phần đọc hiểu, học sinh phải tránh tình trạng vừa đọc câu hỏi, vừa trả lời. Các em cần đọc hết ngữ liệu để hiểu nội dung. Tiếp đó, đọc lần lượt 4 câu hỏi và sau cùng trả lời các câu hỏi theo thứ tự, tránh trả lời lộn xộn, đảo thứ tự các câu, giám khảo khó chấm bài.
Bên cạnh đó, học sinh cần phải biết phân phối thời gian hợp lý. Phần đọc hiểu chỉ nên làm trong khoảng 15 phút. Nếu dành nhiều thời gian cho phần này, các em sẽ không đủ thời gian khi chuyển sang phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học” cô Hải lưu ý.
Theo cô Hải, Ngữ văn là môn học trừu tượng và thiên về cảm xúc, ngoài dạy về kiến thức cũng cần truyền “ngọn lửa” nhiệt huyết để học sinh yêu Văn hơn mỗi ngày.
Trong quá trình giảng dạy, cô Hải lựa chọn phương pháp dạy học tùy vào đặc trưng của từng loại tác phẩm. Đơn cử, sân khấu hóa tác phẩm văn học để học sinh có cơ hội thể hiện tài năng hoặc thảo luận nhóm để bài học thêm phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, học tốt môn Văn cũng phải xuất từ sự cố gắng và nỗ lực của học sinh. Cô Hải chia sẻ, học sinh nên rèn thói quen tập trung nghe giảng hoặc đặt ra những câu hỏi, thắc mắc để trao đổi với thầy cô, bạn bè về vấn đề được đề cập trong tác phẩm. Qua đó, hiểu bài hơn và khơi gợi được niềm say mê với môn Văn.
Ngoài ra, học sinh có thể học Văn bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy, tư duy hình ảnh, học với giấy ghi nhớ màu sắc. Với mỗi tác phẩm, gạch chân các từ khóa quan trọng. Đặc biệt, nghe podcast về văn học, đọc nhiều tài liệu, ghi lại những câu nói, những nhận định hay, những điều tâm đắc để đưa vào bài viết, giúp bài thêm hay và sâu sắc.