Cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) nhìn nhận hiện tại nhà giáo đang chịu nhiều áp lực. Cùng với đó, ngày nay các em bị ảnh hưởng nhiều từ hoàn cảnh sống, tiếp cận với “môi trường xấu, độc” mà chưa có đủ kinh nghiệm sàng lọc thông tin nên tác động không nhỏ đến nhận thức, học tập. Lên lớp nhiều em không thuộc bài, kém tập trung, có lời nói cử chỉ thiếu tôn trọng giáo viên, nên đôi lúc làm giáo viên không kiềm chế được cảm xúc, có lời lẽ, hành động không phù hợp.
Ảnh minh họa ITN. |
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ), nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về triển khai kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh. Theo thầy Hùng, kỷ luật tích cực, không phải hình phạt, mà là phương pháp giáo dục phẩm chất học sinh, hướng đến giáo dục tính tự nguyện, tự giác thực hiện các nội quy, nền nếp nhà trường. Chú trọng việc này, nhiều năm qua, Trường THPT Tân Sơn không có em nào vi phạm kỷ luật, không có hiện tượng bạo lực học đường.
Kinh nghiệm được thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ là xây dựng thông điệp nhà trường ngắn gọn, dễ nhớ và đặt tại các vị trí thuận lợi để học sinh đọc, hiểu, tự giác thực hiện. Thông điệp này như tiền đề chính để xây dựng thương hiệu nhà trường. Hiện, trường in màu bản thông điệp treo tại chân 4 cầu thang khu lớp học; đồng thời quán triệt nội dung này trong thời gian sinh hoạt tập thể mỗi đầu năm học.
“Chúng tôi duy trì tổ tư vấn học đường. Bố trí phòng riêng, đủ không gian để các em mạnh dạn trao đổi tâm tư, khó khăn vướng mắc về gia đình, trường lớp, bạn bè và bản thân… Thông tin 2 chiều giữa nhà trường và gia đình luôn được duy trì qua các kênh, điện thoại, gặp gỡ trao đổi, nhóm mạng xã hội. Nguyên tắc, phương châm khi gặp gỡ, trao đổi với học sinh có biểu hiện vi phạm được quán triệt là: Gần gũi - thân thiện - chia sẻ - đồng cảm và chân tình, hiểu tâm tư, hoàn cảnh, không dùng các biện pháp trừng phạt”, thầy Hùng nhấn mạnh.
Kinh nghiệm từ người trực tiếp giảng dạy, xử lý các tình huống, cô Nguyễn Thị Minh Huệ cho rằng, để thực hiện kỷ luật tích cực, giáo viên cần thay đổi cách cư xử trong lớp học. Khuyến khích các em phát huy thế mạnh của mình, kích thích sự tích cực của mỗi cá nhân trong lớp học. Thầy cô nên tuyên dương học sinh có tiến bộ hàng tuần, hàng tháng; có phần thưởng thiết thực động viên, khích lệ, cổ vũ trò. Nhận xét, góp ý khéo léo về những điều các em chưa làm được hoặc làm chưa tốt, hạn chế chê bai, chỉ trích; lắng nghe và gợi ý, định hướng cho học trò giải quyết khó khăn của mình.
Nội quy lớp học cần được xây dựng trên cơ sở ý kiến của tập thể lớp, cha mẹ học sinh. Học sinh là người tự đề ra nội quy và thực hiện theo nội quy đó. Trường hợp vi phạm, giáo viên nên chú trọng giáo dục, tác động, uốn nắn hành vi hơn là trừng phạt, răn đe. Nếu “phạt”, có thể cho các em đi trồng cây, chăm sóc cây trong khuôn viên của trường... Hành động này sẽ bồi dưỡng tình yêu, thái độ thân thiện với môi trường đồng thời giúp quý trọng lao động và giá trị của lao động.
“Hãy để học sinh cảm nhận được sự quan tâm, tin tưởng của thầy cô dành cho mình. Mỗi lời nói, hành động, tác phong, cách cư xử của giáo viên trên lớp sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm của học trò. Cho nên, giáo viên phải là tấm gương sáng về nhân cách để học trò noi theo”, cô Nguyễn Thị Minh Huệ chia sẻ.