Chi nghìn tỉ xây cáp treo nối chùa Hương - chùa Tiên - chùa Tam Chúc

T/h | 15/03/2022, 09:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa trình Thủ tướng kết quả thẩm định dự án cáp treo nghìn tỉ kết nối chùa Hương - chùa Tiên - Tam Chúc, do Công ty Thái Bình xây dựng.

Chi ngàn tỉ xây cáp treo nối ba khu tâm linh chùa Hương - chùa Tiên - chùa Tam Chúc - Ảnh 1.

Tuyến cáp treo đang được khai thác tại chùa Hương hiện nay - Ảnh: IT

Dự án cáp treo nghìn tỉ này có tên đầy đủ là tuyến cáp treo Hương Bình sẽ nối ba khu tâm linh nổi tiếng nêu trên.

Theo đề xuất của Công ty TNHH một thành viên Thái Bình (Công ty Thái Bình) - nhà đầu tư dự án - thì tuyến cáp treo sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa chùa Hương (Hà Nội), chùa Tiên (Hòa Bình), từ 45km đường bộ (khoảng 60 phút di chuyển ô tô) xuống còn khoảng 3km cáp treo (10 phút di chuyển).

Cũng theo đề xuất của nhà đầu tư, tuyến cáp treo này còn kết nối, phát huy những lợi thế về du lịch lễ hội, tâm linh của khu tam giác tâm linh chùa Hương (Hà Nội) - chùa Tiên (Hòa Bình) - chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Dự án này sẽ tạo thuận lợi cho khoảng 1,5 triệu du khách tham gia lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc hằng năm tới tham quan quần thể di tích danh thắng chùa Tiên, góp phần quảng bá hình ảnh và những giá trị lịch sử đến du khách trong và ngoài nước.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tuyến cáp treo được đầu tư tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Tuyến cáp treo này dài khoảng 3km, chiều dài cáp phía Hà Nội khoảng 1,5km, tương tự phía Hòa Bình cũng khoảng 1,5km.

Quy mô sử dụng đất dự án xây dựng cáp treo hơn 35 hecta, trong đó đất rừng 13,61 hecta, đất trồng cây lâu năm 0,11 hecta, đất trồng lúa 0,83 hecta, đất giao thông 0,36 hecta, đất mặt nước 2,06 hecta…

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1.700 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 258 tỉ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng trên 1.460 tỉ đồng.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết đến nay Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Nội đã xác nhận cung ứng tín dụng cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, bên cạnh việc xây nhà ga, nhà chờ, chòi nghỉ chân, và các hạng mục của tuyến cáp treo kết nối các khu tâm linh, Công ty Thái Bình cũng đề xuất xây khách sạn 7 tầng, khu biệt thự nghỉ dưỡng 1-2 tầng trong khuôn viên dự án thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trong văn bản cho ý kiến về việc đầu tư xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã thống nhất xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình kết nối danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - khu di tích quốc gia đặc biệt với chùa Tiên được xếp hạng di tích quốc gia.

Trong đó, có việc cho xây dựng khoảng 10 trụ cột cáp treo trong khu vực bảo vệ 1, khu vực bảo vệ 2, của di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương.

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội cũng cho rằng dự án phù hợp với cảnh quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, tạo môi trường văn hóa tâm linh, trợ duyên cho sự phát triển Phật giáo.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư dự án không làm cáp treo chồng đè lên vùng đất thuộc di tích, tuân thủ quy định của Luật di sản văn hóa.

Trước đó, vào tháng 1/2021, tuyến cáp treo Hương Bình đã được Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội phê duyệt đồ án quy hoạch. UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Hòa Bình cũng đồng ý cho xây dựng tuyến cáp treo này từ năm 2014.

Hiện nay, tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương đang có hệ thống cáp treo do Công ty Hương Sơn vận hành, khai thác. Tuyến cáp treo này dài 1,2km, có 45 cabin, 7 trụ cột, vận chuyển khoảng 1.500 hành khách tham quan di tích/giờ, với giá vé khoảng 120.000 đồng/lượt.

Bài liên quan
Chùa Hương - di tích lịch sử văn hoá, tín ngưỡng nổi tiếng của Hà Nội
Chùa Hương - ngôi chùa không chỉ mang vẻ đẹp danh thắng nổi tiếng mà còn nổi bật với văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi nghìn tỉ xây cáp treo nối chùa Hương - chùa Tiên - chùa Tam Chúc