Bước 4: Viết bản thảo SKKN theo đề cương đã chuẩn bị. Khi viết, cần chú ý đây là loại văn bản báo cáo khoa học nên ngôn ngữ viết ngắn gọn, chính xác. Tránh sử dụng ngôn ngữ nói, hoặc kể lể dài dòng nhưng không diễn đạt được thông tin cần thiết.
Bước 5: Hoàn chỉnh bản SKKN, in đọc rà soát lại lỗi chính tả, lỗi đánh máy, xem căn chỉnh lề theo đúng quy định.
“Sau khi hoàn thiện SKKN, ngay tại đơn vị công tác của tôi sẽ tổ chức thẩm định, lập hội đồng chấm. Nếu kết quả đạt theo yêu cầu thì gửi sản phẩm về ngành để tiếp tục thẩm định, công nhận cấp ngành. Sản phẩm SKKN của tôi được chia sẻ cho đồng nghiệp trong và ngoài trường tham khảo, có tính thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn, chủ nhiệm”, cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ). Ảnh: NVCC |
Từng có SKKN cấp thành phố, thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) nêu quan điểm: Để có được SKKN chất lượng, có thể áp dụng trong thực tế, điều đầu tiên phải xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn và có sự chọn lọc hợp lý của giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Tiếp đó, người viết SKKN cần nắm rõ cấu trúc, dàn ý sáng kiến; nắm chắc cách đặt vấn đề, chọn giải pháp, giải quyết vấn đề cũng như những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện để người đọc dễ dàng hình dung, thấy rõ quá trình thực hiện sáng kiến của người viết.
Một điểm quan trọng khác, người viết cần nắm rõ các định hướng đổi mới của ngành, chương trình giáo dục để dễ dàng hơn trong chọn đề tài phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn. Các giải pháp của sáng kiến nên tập trung trong bối cảnh chung để có thể áp dụng cho nhiều đơn vị, đối tượng khác nhau; từ đó nhân rộng dễ dàng.
Từ kinh nghiệm của giáo viên giỏi, theo cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), để viết được SKKN chất lượng, trước tiên phải xác định được thực trạng địa phương, học sinh; khó khăn học sinh đang gặp phải, nguyên nhân học sinh học chưa tốt; những yếu tố từ giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em. Từ đó, giáo viên xây dựng biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục môn học. Các giải pháp đưa ra cần phù hợp với nhận thức, khơi dậy được sự ham thích trong học tập của học sinh.
“Để sáng kiến có hiệu quả, giáo viên khi thực hiện cần thử nghiệm, rút kinh nghiệm trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để tổ chuyên môn góp ý. Sau khi thử nghiệm và lấy ý kiến tổ chuyên môn mới tiến hành xây dựng giải pháp. Giải pháp cần được điều chỉnh nhiều lần để hoàn thiện”. - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1