Cho con học lớp 1 ở quê để được đến trường

T/H | 26/08/2021, 08:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều phụ huynh hiện đang cảm thấy may mắn vì cho con học lớp 1 ở quê. Bởi với các con, học trực tiếp vẫn thích hơn học trực tuyến.

Từng lo lắng khi trẻ phải học online

Bé Bảo Minh được bố mẹ cho về quê nội ở Quảng Ninh từ đầu tháng 5. Thời gian đó, bé đi học thêm, chủ yếu để có bạn chơi cùng.

Khi dịch căng hơn, chị Hoàng Ly, mẹ Bảo Minh xác định con sẽ ở lại quê. Vợ chồng chị gửi giấy tờ của con về, ông bà nội bắt đầu tìm trường phù hợp cho cháu.

anh-chup-man-hinh-79-.png
Bé Bảo Minh vui vẻ khi được đến trường 

Khi Bộ GD&ĐT ra văn bản đề nghị các địa phương tiếp nhận học sinh từ vùng dịch về quê học tập, chị Hoàng Ly quyết định cho con vào học trường Đoàn Thị Điểm ở Quảng Ninh dù vẫn làm thủ tục tại trường Hà Nội.

“Tôi đã cho con học thử online lớp tiếng Anh nhưng không hiệu quả. Hơn nữa, giai đoạn mới bắt đầu cũng không quá quan trọng về mặt kiến thức, chỉ cần con được rèn luyện nề nếp, ý thức thời gian, khả năng tập trung. Đến trường, con có bạn bè chơi cùng, trò chuyện, cũng được cô kèm cặp hơn”, chị Hoàng Ly phân tích.

Quyết định này mang lại niềm vui cho hai bà cháu Bảo Minh. Bà nội cháu cho rằng với trẻ nhỏ, học trực tiếp sẽ tốt hơn học trực tuyến.

Tương tự, gia đình chị Thanh Tâm cũng quyết định cho con theo học trường công lập ở Ninh Bình thay vì học trực tuyến tại trường ở Hà Nội.

Chị từng lo lắng không tìm ra giải pháp nào. Nếu vậy, bé Đức Bảo, con trai chị, sẽ phải học online, thậm chí có thể đến hết học kỳ I nếu tình hình dịch ở Hà Nội vẫn phức tạp, các trường chưa mở cửa trở lại.

Con mới 6 tuổi, tâm lý chưa sẵn sàng để vào lớp 1. Nếu phải học online, chị Tâm lo con sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, không nghiêm túc học hành.

Thêm vào đó, khi dịch bệnh khiến cả hai vợ chồng chị thất nghiệp, quyết định cho con theo học tại trường ở quê cũng giảm phần nào gánh nặng tài chính.

May mắn khi con được đến trường

Chị Thanh Tâm kể gia đình đã trò chuyện để con hiểu con sẽ học lớp 1 tại quê. Ban đầu, cậu bé không muốn đi học, sợ môi trường lạ, dịch bệnh, cứ khăng khăng chỉ muốn học mầm non. Hiện tại, Đức Bảo phần nào tiếp nhận.

hoc-o-que.jpg
Chị Thanh Tâm quyết định cho con học ở quê cho đến lớp 2

Đương nhiên, gia đình chị vẫn còn nhiều lo lắng khi con bước vào chặng đường mới. Nếu học trường ở Hà Nội, chị có thể cho con theo học chương trình song ngữ để rèn luyện tiếng Anh.

Với lựa chọn mới, gia đình sẽ phải xem xét việc cho con học thêm hoặc bố mẹ kèm cặp con học tại nhà song song với học ở trường.

Chị cũng lo con thấy hụt hẫng vì trước đó, con đã học tiền tiểu học, biết ghép vần, nắm các kiến thức khác trong khi ở lớp mới, con sẽ phải học lại từ đầu theo các bạn.

Chưa kể đến, chị e ngại sau này, khi dịch bệnh được kiểm soát, gia đình trở lại Hà Nội, nếu cho con học trường song ngữ, con sẽ khó theo kịp.

Dù vậy, tại thời điểm này, chị Thanh Tâm vẫn cảm thấy may mắn khi con được đến trường thay vì ngồi trước máy tính học bài. Trước tình hình dịch bệnh còn khó lường, gia đình chị dự định cho con học hết lớp 2 ở Ninh Bình rồi mới chuyển về Hà Nội học tiếp.

Trong khi đó, buổi đầu con trai vào lớp 1, chị Hoàng Ly có chút hụt hẫng vì không thể ở bên cạnh con trong dấu mốc đáng nhớ này. Cũng may, hiện tại, công nghệ thông tin phát triển, bà nội bé có thể chụp ảnh rồi gửi chị. Hàng ngày, mẹ con cũng thường xuyên gọi video trò chuyện.

“Tôi cũng thấy may mắn vì con ở vùng dịch không phức tạp, được đến lớp, giao lưu bạn bè. Với con nhỏ, không gian giao tiếp trực tiếp như vậy rất quan trọng. Thật may vì gia đình kịp thời ‘quay xe’, để con ở quê thay vì đón con lên để rồi mắc kẹt ở Hà Nội”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Bài liên quan
Tranh luận sôi nổi về bài thơ "Bắt nạt" trong sách Ngữ văn lớp 6 mới
Bên cạnh luồng tranh luận cho rằng bài thơ "Bắt nạt" có nội dung, câu từ ngô nghê thì nhiều ý kiến cho rằng người đọc cần có cái nhìn lạc quan và thái độ trân trọng khi cảm nhận các tác phẩm văn học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho con học lớp 1 ở quê để được đến trường