Thứ hai, thuận tiện cho người sử dụng: Cấu trúc rõ ràng và phân định các lĩnh vực phát triển, các tiểu lĩnh vực, bao gồm có các chuẩn, chỉ số phản ánh giá trị và năng lực của trẻ một cách rõ ràng.
Thứ ba, Bộ chuẩn phát triển của trẻ em 5 tuổi (2022) sẽ là định hướng cho việc xây dựng và phát triển Chương trình khung giáo dục mầm non quốc gia. Hai bộ tài liệu này có sự liên thông và liên kết với nhau giúp cho sự phát triển của trẻ được tốt hơn.
Chuyên gia khuyến nghị
Theo PGS.TS Bùi Thị Lâm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ở phần tiếp cận việc học cho phù hợp với Chương trình GDPT 2018, các chỉ số khá phù hợp, là điểm mới – tốt của bộ chuẩn. Chỉ ra những yếu tố cần làm rõ, PGS Bùi Thị Lâm cho rằng: Những biểu hiện về tiếp cận với việc học nên nhấn mạnh những kĩ năng tư duy phức tạp hơn như khái niệm tư duy để xây dựng kiến thức mới. Với kĩ năng giải quyết vấn đề, không nên tập trung vào việc kiểm tra về cách giải quyết vấn đề bằng chỉ báo nói được, nên tập trung vào kĩ năng trẻ giải quyết vấn đề như thế nào. Vì nhiều trẻ không nói được nhưng biết làm, biết giải quyết vấn đề.
TS Tôn Quang Cường - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội - đưa ra 3 quan điểm để chuẩn mới đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và thích ứng với đổi mới. Trong bối cảnh xã hội thay đổi lớn, vậy lựa chọn mảnh ghép nào để tác động đến trẻ ngay hiện nay. Cần mạnh dạn tham khảo kinh nghiệm các nước, ngay cả các nước tiên tiến cũng đang phải đổi mới nền giáo dục. Việt Nam không nhất thiết bám vào nền tảng cũ. Cần phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa trẻ với gia đình, người thân, đồ dùng, dụng cụ có trong gia đình. Thêm nữa cần tiếp cận việc học, phân giải các năng lực tiếp cận việc học. Không phải cung cấp chữ cái, tính toán, kết quả đầu ra phải chuyển đổi mượt mà với việc học ở phổ thông.
Đưa ra vấn đề giáo dục thể chất đối với trẻ, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - nêu quan điểm: Trong lĩnh vực sức khỏe thể chất, chuẩn về khả năng thích ứng của trẻ gồm 3 vấn đề: Thích ứng với thay đổi vận động; Thích ứng với thay đổi thời tiết, nơi ở; Thích ứng với thay đổi trạng thái cơ thể do vận động. Các chỉ báo hiện nay không phải là toàn bộ biểu hiện của trẻ về lĩnh vực, mà là những biểu hiện dễ nhận biết bằng quan sát được. Bà đưa ra ví dụ minh họa như chỉ số về khuy áo: Là chỉ báo phản ánh phối hợp vận động ngón tay; Chỉ báo không ăn đồ ôi thiu và chỉ báo ăn thức ăn lành mạnh… Đây đều là những nội dung cần được cân nhắc để đưa vào nội dung chuẩn cho phù hợp.