Truyện ngắn 'Con ơi, đừng lớn!' của Võ Thị Tuyết Luôn

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Giáo dục Thủ đô giới thiệu truyện ngắn 'Con ơi, đừng lớn!' của tác giả Võ Thị Tuyết Luôn.

Mồ hôi vẫn còn đang tuôn đổ như suối trên trán, hai tay và chân tôi vẫn còn đang run rẩy. Nhưng khi bên tai tôi văng vẳng tiếng khóc chào đời của đứa con bé bỏng còn đỏ hỏn trên tay bác sĩ. Trên khóe mắt vẫn còn nước mắt đang thi nhau rơi xuống nhưng miệng tôi đã nở nụ cười hạnh phúc.

“Chúc mừng chị nhé! Em bé đáng yêu lắm, bây giờ thì ôm con vào lòng nào”. Bác sĩ mỉm cười đặt đứa trẻ lên ngực tôi.

Cảm xúc trong tôi lúc này không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Đứa trẻ tôi mang nặng đẻ đau, đứa trẻ ngày đêm tôi mong mỏi cuối cùng cũng đã chào đời khỏe mạnh. Tôi vẫn khóc, nước mắt vẫn cứ thi nhau rơi xuống như mưa tháng 6 nhưng lần này tôi khóc không phải vì đau mà vì hạnh phúc.

***

Tôi trở thành bà mẹ bỉm sữa, với sự giúp đỡ của ông bà ngoại. Việc chăm sóc con cũng không gặp nhiều khó khăn trong những tháng ngày ở cữ. Con dần lớn hơn, và tôi cũng trở về với tổ ấm của riêng mình, một mình chăm sóc con.

Những lúc con quấy khóc mà tôi không có cách nào dỗ được, trong khi tôi muốn con ngủ để có thể rảnh tay làm nhiều việc khác thì con càng quấy nhiều hơn. Tôi ước thời gian trôi thật nhanh, thật nhanh để con mau lớn, tôi không phải cực khổ chăm sóc nữa.

“Ôi! Bé Dâu, cục cưng của bà hôm nay đã lớn thế này rồi à! Con ngoan lớn chầm chậm thôi nhá!”

Tôi nhíu mày nhìn mẹ mình cũng là bà ngoại của đứa con gái bé bỏng của tôi. Kể từ lúc tôi trở về nhà riêng thì thỉnh thoảng vài tháng tôi và chồng mới đưa con gái về nhà ngoại. Hôm nay có lẽ vì quá nhớ thương cháu ngoại nên tự bà bắt xe lên thăm. Tôi mong con mình mau lớn nhưng mẹ tôi lại bảo cháu lớn chầm chậm. Tôi khó chịu vì điều này.

“Mẹ đi xe mệt nên nói nhầm phải không? Ai đời lại mong cháu mình lớn chầm chậm thôi chứ! Mẹ có biết con mong thời gian trôi nhanh như tàu cao tốc không?”

“Thời gian trôi nhanh như tàu cao tốc để rồi lớn lên lấy chồng, một năm về nhà được vài lần. Nơi ở từ nhỏ quen thuộc giờ trở thành nơi xa lạ, ở một đêm cũng khó ngủ đó phải không?”

Tôi sững sờ nhìn mẹ, mẹ không nhìn tôi, miệng bà đang nói chuyện với tôi nhưng ánh mắt bà vẫn đang cười rạng rỡ với đứa cháu nhỏ. Tôi biết bà đang trách tôi, trách tôi không về nhà thăm bà nhiều hơn trong một năm qua.

Nhưng rõ ràng khoảng cách từ Sài Gòn về Bến Tre cũng mất vài giờ đi xe, không phải chỉ vài phút. Hơn nữa công việc bận rộn làm tôi không thể chen chút thời gian mà về nhà thăm bà mãi được.

“Mẹ phải thông cảm cho con chứ, con cũng không phải không muốn về thăm mẹ nhiều hơn”. Tôi cố giải thích.

“Cháu yêu của bà, ngoan để bà ôm hôn một chút nào. Bà cưng con nhất đấy. Bà có mua rất nhiều đồ đẹp cho con đây, ông ngoại còn làm đồ chơi cho con nữa này”. Mẹ tôi không quan tâm đến tôi nữa, bà dành hết sự chú ý vào bé Dâu (tên ở nhà của con gái tôi).

Tôi đứng bên cạnh liếc nhìn những món đồ chơi bà lôi từ trong chiếc giỏ đệm ra mà kinh ngạc rồi đột nhiên đôi mắt đỏ hoe. Nơi lồng ngực có gì đó râm ran khó chịu. Con rùa bằng gáo dừa được làm tỉ mỉ và công phu mà mẹ tôi đang đưa cho bé Dâu chính là món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của tôi.

Ngày đi lấy chồng, tôi cũng cẩn thận xếp nó vào vali hành lý mang theo về nhà chồng. Tôi vẫn còn nhớ khi ba tôi ngồi tỉ mẩn lượm nhặt lựa chọn từng cái gáo dừa, rồi dùng dao dùng búa từng chút một làm thành một con rùa cho tôi chơi.

Tôi đã ôm hôn ba khi nhìn thấy con rùa thành phẩm và ba cũng hôn má tôi với ánh mắt cưng chiều. Ánh nắng chiều của vùng quê yên bình với hàng dừa xanh mướt chợt ùa về trong tâm trí tôi. Tôi cũng không nhớ đã bao lâu rồi tôi chưa từng ôm ba má, chưa từng hôn ba má như ngày trước nữa.

***

Má tôi lên ở mấy ngày và mấy ngày này tôi như được giải thoát khỏi cơn ác mộng bị đánh thức nửa đêm của con gái nhỏ. Bé Dâu trộm vía rất thích ngủ với bà ngoại, tôi cũng cảm thấy mừng vì con bé dù gặp mặt bà không nhiều nhưng vẫn không xa lạ và bám bà hơn bám mẹ.

Kể từ ngày má lên ở, tôi cũng có nhiều thời gian ra ngoài mua sắm và cà phê cùng bạn bè hơn. Thậm chí cùng chồng đi hẹn hò ăn uống xem phim ôn lại những kỉ niệm ngày hai đứa còn tự do chưa bị ràng buộc bởi bé Dâu. Một lần, đi siêu thị về vừa bước đến cửa phòng, tôi lập tức dừng bước, bàn tay đặt trên tay nắm cửa cũng chững lại.

“Bé Dâu ngoan, thương bà thì lớn chậm thôi nhé. Không phải bà không muốn bé Dâu ăn mau chóng lớn mà bà sợ bé Dâu lớn rồi sau này bà sẽ không được ôm bé Dâu mỗi lúc bà muốn nữa. Không được hôn bé Dâu thật nhiều cũng như sẽ không còn được ngủ cùng bé Dâu nữa.

Bé Dâu biết không? Mẹ của bé Dâu ngày bé cũng bám bà lắm đấy. Đi ngủ cũng phải nằm sấp trên bụng của bà, bà đi tắm, đi vệ sinh cũng bon chen vào đứng ở một góc nhìn bà chằm chằm. Vậy mà chớp mắt một cái mẹ bé Dâu lớn rồi”.

Cách một cánh cửa nhưng tiếng của má vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Những lời má nói với bé Dâu tôi nghe rõ ràng không sót chữ nào. Giờ tôi ngẫm lại, tự đặt câu hỏi cho mình.

Nếu bé Dâu vào lớp một bé Dâu có còn đeo bám tôi nữa không? Nếu bé Dâu vào cấp hai thì tôi còn có thể ôm hôn lúc nào thì kéo con bé vào ôm chặt hôn thật nhiều nữa không? Và khi con bé lên cấp ba, con bé có còn đồng ý mặc những bộ quần áo do tôi chọn tôi mua cho nữa không? Và cuối cùng khi còn bé bước chân vào giảng đường đại học, phải đi đến nơi xa hơn để tiếp tục theo đuổi ước mơ tương lai của con bé.

Lúc này làm sao tôi có thể gặp con mỗi ngày được nữa. Huống chi đến lúc con lấy chồng đi về miền xứ khác của người ta thì tôi càng khó gặp con hơn. Tôi bắt đầu thấy sợ con lớn thật rồi.

***

Từ lúc má về quê tôi cũng bắt đầu dành nhiều thời gian cho bé Dâu hơn. Trừ những lúc con ngủ, tôi sẽ làm một vài việc riêng của mình. Ngoài ra, tôi sẽ không làm bất cứ việc gì chạm đến điện thoại và máy tính khi con đang thức. Thậm chí tôi cũng muốn chồng tôi như vậy.

“Anh à! Mai mốt việc ở công ty thì cố gắng hoàn thành ở công ty, đừng mang về nhà làm tiếp nữa nhé. Anh dành thời gian chơi với con nhiều một chút”.

“Em hôm nay sao vậy? Trông con nhiều quá bị stress rồi hả? Có cần anh đón bà nội hay bà ngoại lên trông con ít hôm không?”. Chồng tôi có chút sửng sốt lo lắng nhìn tôi.

Tôi mỉm cười lắc đầu, tôi biết anh cũng rất yêu thương con, đi công tác lần nào về cũng mua đồ chơi cho con. Về đến nhà đều ôm con hôn thật lâu. Nhưng bình thường anh rất ít dành thời gian cho con, nếu không phải vì công việc thì anh cũng chơi game nói chuyện phiếm với bạn bè.

Tôi cũng không ngăn cản hay có ý kiến gì nhưng sau khi nhận ra sẽ có lúc phải hối hận vì đã bỏ qua quá nhiều thời gian có thể chơi cùng con, cùng con lớn lên. Tôi không muốn anh sau này cũng sẽ như thế.

“Anh có từng nghĩ, khi có thời gian rảnh rỗi thì đã đến lúc con trưởng thành và rời xa vòng tay của chúng ta không? Ngày xưa ba má đã đồng hành cùng chúng ta trong từng chặng đường khôn lớn. Đôi lúc, từng khoảnh khắc nhớ lại tuổi ấu thơ có ba má ở bên cạnh chia sẻ buồn vui có phải anh hạnh phúc lắm không?”.

Anh im lặng nhìn tôi, tôi biết anh đã hiểu lời tôi muốn nói. Với nhịp sống hiện đại, con người ta dường như đã bị cuốn vào với các thiết bị điện tử và nhịp sống tất bật của dòng đời mà quên đi sự gắn kết yêu thương của gia đình.

Đột nhiên tôi sợ lắm, tôi sợ đến một ngày bé Dâu sẽ lớn, sẽ không còn ở bên cạnh tôi nữa. Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói mà má tôi hay thủ thỉ với bé Dâu: "Con ơi! Đừng lớn". Đừng vội lớn để mẹ được ở bên cạnh con nhiều hơn, để được vô tư ôm con hôn con mỗi lúc. Để được con làm nũng chạy đến ôm chân mỗi khi con muốn….

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan
Tuyên truyền ngăn chặn ma túy từ nhà trường
Ma túy thế hệ mới với muôn dạng hình hài đang là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh và nhà trường. Chính vì thế, việc tuyên truyền phòng chống ma túy luôn được các trường học chú trọng với nhiều hình thức.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn 'Con ơi, đừng lớn!' của Võ Thị Tuyết Luôn