Bất kể bạn ăn thực phẩm gì trong cuộc sống hằng ngày đều chú ý kiểm soát số lượng, nếu ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ đe dọa sức khỏe.
Một số tin đồn về tác dụng của khoai lang
1. Ăn khoai lang có giúp hạ đường huyết không?
Một số nghiên cứu cho thấy sau khi uống chiết xuất khoai lang, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã cải thiện insulin, có lợi cho việc kiểm soát đường trong máu. Nhiều người cho rằng, khoai lang có thể hạ đường huyết sau khi đọc nghiên cứu này.
Tuy nhiên, muốn đạt được hiệu quả trong việc ăn khoai lang để hạ đường huyết, cần phải ăn số lượng lớn tương đương với chiết xuất trong nghiên cứu. Điều này trái ngược với lời khuyên nên ăn khoai lang một cách điều độ.
Khoai lang chứa nhiều nước và chất xơ nên cơ thể của những người khỏe mạnh dễ hấp thu và tiêu hóa. Nó cũng có thể dùng cho bệnh nhân tăng đường huyết, có tác dụng giảm bớt lượng đường trong máu tăng cao sau bữa ăn.
2. Khoai lang trị táo bón được không?
Về vấn đề này, Zhang Zhiqian, phó trưởng khoa Hậu môn trực tràng của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc ở Hạ Môn cho biết: “Ăn khoai lang nấu chín đúng cách, cellulose trong khoai lang có thể hấp thụ nước trong ruột, tăng quá trình bài tiết, có thể làm giảm táo bón ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, hàm lượng tinh bột trong khoai lang tương đối cao, ăn sống hoặc ăn nhiều dễ dẫn đến tình trạng táo bón trầm trọng hơn”.
3. Khoai lang có thể tiêu diệt tế bào ung thư và chống ung thư không?
Có một số tin đồn trên mạng cho rằng, ăn khoai lang có thể tiêu diệt 98% tế bào ung thư, điều này là không xác thực.
Trước hết, thí nghiệm không được tiến hành trên cơ thể người và kết quả thu được từ thí nghiệm trong ống nghiệm và trên động vật. Hơn nữa, các chất chiết xuất được sử dụng trong các thí nghiệm này không phải là khoai lang, có một sự khác biệt lớn so với việc ăn khoai lang chín.
Tóm lại, việc ăn khoai lang để chống ung thư, hạ đường huyết, trị táo là không khả thi. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng khoai lang là một loại thực phẩm bổ dưỡng, khi ăn cũng cần chú ý một số điều.
Những lưu ý khi ăn khoai lang
Khoai lang rất giàu dinh dưỡng, trong 100g khoai lang chứa khoảng 102 kcal, 0,2g chất béo, 24,7g chất bột đường, cùng với chất đạm, chất xơ hòa tan. Tuy nhiên, khi ăn cần phải chú ý một số điều dưới đây:
- Kiểm soát số lượng
Ăn quá nhiều khoai lang sẽ sinh ra nhiều khí trong ruột, dễ gây ra các triệu chứng như chướng bụng, nấc cụt, xì hơi.
- Không ăn khi bụng đói
Ăn khoai lang khi bụng đói dễ gây ra triệu chứng ợ chua, đối với một số người bị loét dạ dày, nó dễ kích thích tiết axit dịch vị gây khó chịu ở bụng.
- Không ăn cùng quả hồng và các thực phẩm khác
Bản thân khoai lang là thực phẩm có hàm lượng đường cao, sau khi vào dạ dày dễ lên men làm tăng tiết axit dịch vị. Thành phần tanin và pectin trong hồng sẽ phản ứng với khoai lang, dễ tích tụ và tạo sỏi trong dạ dày.
- Người dạ dày kém nên ăn ít
Hàm lượng chất xơ không hòa tan trong khoai lang tương đối cao, đối với những người chức năng đường tiêu hóa kém ăn khoai lang sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, dễ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.