Để từ chức trở thành hoạt động bình thường

Thành Nam | 09/01/2023, 08:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vấn đề từ chức trên thế giới rất bình thường, nhưng ở nước ta lại bất thường và chúng ta cần biến điều bất thường này trở thành điều bình thường.

Để đội ngũ cán bộ ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công việc - đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ về văn hoá từ chức.

Thể hiện trách nhiệm qua việc từ chức

Từ chức, ở các nước vốn là việc bình thường. Còn chúng ta, lâu nay khái niệm từ chức dù đã được nhắc đến, nhưng việc này còn diễn ra rất ít, vì sao thưa ông?

Chúng ta đang hướng tới xây dựng một cách nhìn mới về câu chuyện từ chức, ở đó tinh thần nền hành chính công hiện đại được thể hiện và phù hợp hơn với bối cảnh xã hội hiện nay. Lâu nay, việc từ chức gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, khi có nhiều sự kiện, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Để từ chức trở thành hoạt động bình thường - Ảnh 1.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn

Khi một người từ chức, họ thường bị xã hội gán cho những ý nghĩa tiêu cực nào đó với những câu hỏi bỏ ngỏ: Tại sao phải từ chức? Từ chức có phải vì liên quan vụ đến việc này, vụ việc kia hay không? Hay những bí ẩn gì sau hành động từ chức?... Đó là những câu hỏi rất khó trả lời, tạo áp lực rất lớn cho những người có mong muốn xin từ chức, mong muốn thể hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm với công việc của mình.

“Vừa qua, có một số cán bộ lãnh đạo xin từ chức. Đây cũng là ví dụ tốt, mang tính làm gương để chúng ta thực hiện Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị”.

Ông Bùi Hoài Sơn

Chính vì thế, chúng ta phải cố gắng hình thành nên một cách tiếp cận mới về từ chức, một dư luận xã hội tích cực hơn liên quan đến hành động từ chức của một người nào đó. Trên thực tế, việc từ chức không hoàn toàn chỉ đến từ việc người này có sai phạm gì hay có những tiêu cực gì trong cuộc sống, trong công việc. Trong lịch sử cũng đã có những hành động từ quan của khá nhiều người nổi tiếng. Khi người ta nhận thấy, họ không hoàn thành được nhiệm vụ, không thể thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của mình, họ mong muốn từ chức, từ quan.

Trên thế giới chúng ta cũng thấy rất nhiều trường hợp tương tự như thế. Khi xảy ra một tai nạn hầm lò nào đó, một bộ trưởng xin từ chức; hoặc một bức xúc trong xã hội nào đó, liên quan đến một lĩnh vực nào đó, bộ trưởng thấy trách nhiệm thuộc về mình, vì ý thức trách nhiệm, họ cũng xin từ chức.

Vậy theo ông, phải làm gì để việc từ chức trở thành hoạt động thường xuyên, thành văn hóa ứng xử, văn hóa công vụ?

Để từ chức trở thành hoạt động bình thường - Ảnh 2.

Hình ảnh Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Ảnh: NB

Vấn đề từ chức trên thế giới rất bình thường, nhưng ở nước ta lại bất thường và chúng ta cần biến điều bất thường này trở thành điều bình thường, để đội ngũ cán bộ ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công việc. Khi đã không hoàn thành trọng trách được giao, cách tốt nhất để họ sẽ thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc xin từ chức.

Lúc đó, dư luận xã hội cũng đánh giá khách quan hơn với việc từ chức, không phải chỉ vì có sai sót, hay tiêu cực, tham nhũng gì, mà là thể hiện trách nhiệm của người đó qua việc từ chức thôi. Thậm chí, hành động đó còn mang tính chất làm gương, thể hiện tính nêu gương để hoạt động từ chức thành nếp ứng xử, văn hóa công vụ, làm gương cho những người khác. Và như vậy, khi họ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ thể hiện trách nhiệm công vụ của mình, trách nhiệm đối với nghề nghiệp, đất nước của mình, nhường vị trí đó cho người xứng đáng hơn. Đó là cái chúng ta cần phải xử lý, hướng đến trong câu chuyện về từ chức hiện nay.

Mở đường cho hành động từ chức của cán bộ

Sau khi có Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị, vừa qua đã có nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo xin thôi nhiệm vụ. Thông báo này “mở đường”, tạo cơ hội cho cán bộ có thể từ chức nếu thấy việc này là cần thiết đối với họ, cũng cần thiết cho tổ chức, thưa ông?

Chúng ta đánh giá rất cao Thông báo 20 của Bộ Chính trị. Đây là quy định rất phù hợp với bối cảnh hiện này. Khi có quy định, định hướng dư luận như vậy sẽ tạo điều kiện cho cán bộ có thể đưa ra được quyết định dễ dàng hơn. Đồng thời, Thông báo đó cũng mang tính định hướng xã hội để cho dư luận xã hội không còn coi việc xin từ chức đơn thuần là hành động chỉ có lý do đến từ tiêu cực, vi phạm mà là hành động bình thường, thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo với công việc, với đất nước, nghề nghiệp của mình. Việc từ chức từ đó cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Đó là tín hiệu tích cực trong bối cảnh cần những người đề cao tinh thần trách nhiệm, để từ đó sẽ có thêm sự quyết tâm phát triển đất nước.

Vừa qua, có một số cán bộ lãnh đạo xin từ chức. Đây cũng là ví dụ tốt, mang tính làm gương để chúng ta thực hiện Thông báo 20 của Bộ Chính trị. Và một lần nữa chứng minh rằng, nội dung kết luận của Bộ Chính trị ra đời là rất hợp lý, đáp ứng được cả yêu cầu phát triển đất nước và nguyện vọng của cán bộ đảng viên. Đồng thời cũng là dịp để xây dựng nền hành chính công hiện đại, ở đó, đề cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên, là điều kiện để hình thành nên bầu không khí mới, môi trường mới, tích cực hơn, phù hợp hơn với điều kiện phát triển đất nước.

Chúng ta biết rằng, thay đổi bất kỳ thói quen nào hay thay đổi dư luận xã hội là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, để thay đổi thói quen hay để dư luận xã hội nhìn nhận khách quan hơn, tích cực hơn về hành động từ chức thì đầu tiên phải có những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Thông báo 20 hay một số hành động làm gương gần đây chắc chắn là tín hiệu tích cực để chúng ta khởi động cỗ máy đó, khắc phục quán tính vốn đã tồn tại, ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều người. Từ đó, biến hành động từ chức thành hành động trở nên bình thường hơn, thể hiện tiết tháo trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên nhiều hơn, từ đó mới xây dựng được nền hành chính công hiện đại.

Nên có chương trình hành động khi nhậm chức

Khi từ chức trở thành hoạt động bình thường, có nhiều người từ chức trong cùng một thời điểm, ông có lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ?

Chúng ta không lo thiếu cán bộ. Có chăng, chúng ta chỉ lo sợ những người cán bộ không hết mình, không có trách nhiệm trong công việc, hoặc ngồi nhầm vị trí. Ở đó họ không gánh vác được công việc, nhưng vì áp lực của gia đình, của xã hội nên vẫn ngồi ở vị trí đó, gây cản trở đến sự phát triển công việc chung, thậm chí cản trở sự thăng tiến của người khác. Đó mới là điều chúng ta lo ngại.

Chúng ta không thiếu người tài, có khát vọng cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Vấn đề là chúng ta có khai thác, phát hiện và trọng dụng họ hay không, chúng ta có tạo được môi trường thuận lợi để họ cống hiến và phát huy hết tài năng của họ cho công việc, đất nước hay không.

Có ý kiến cho rằng, với các nhân sự khi được bổ nhiệm, chẳng hạn với bộ trưởng, khi được phê chuẩn bổ nhiệm, cần có phát biểu ngắn gọn trước Quốc hội, đưa ra chương trình hành động cụ thể, để đại biểu giám sát, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ?

Kinh nghiệm của các nước là khi bổ nhiệm một vị trí quan trọng nào đó, họ thường có những phiên điều trần, và đó là kinh nghiệm rất hay với chúng ta. Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, hay một số bộ trưởng khác, đều phải trải qua những phiên điều trần từ các ủy ban của Quốc hội, để từ đó xem định hướng công việc sắp tới, quan điểm giải quyết vấn đề, hay những hành động cụ thể đó có phù hợp với sự phát triển chung của đất nước không.

Đó cũng là một sự thể hiện trách nhiệm, cam kết của những người sắp nhận nhiệm vụ quan trọng và từ đó có công cụ kiểm tra xem họ có đáp ứng được nhiệm vụ hay không, tạo thuận lợi cho việc hình thành nền hành chính công phù hợp. Tất nhiên, ở nước ngoài có thể phù hợp, còn ở Việt Nam, việc áp dụng nó như thế nào cũng cần phải tính toán cụ thể.

Cảm ơn ông!

Bài liên quan
Tín hiệu đáng mừng về văn hóa từ chức từ câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thể
Từ chức vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức của cán bộ, nói rộng ra, đó còn là văn hóa. Cán bộ xin từ chức không có nghĩa là kết thúc sự nghiệp nếu vẫn còn đủ tuổi công tác.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để từ chức trở thành hoạt động bình thường