Giáo dục

Đưa ngữ liệu ngoài SGK vào bài kiểm tra Ngữ văn cần có sự chọn lọc

Nhật Hạ 30/12/2023 13:30

Trong tuần từ 25 - 30/12, Trường THPT Hoài Đức C, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1 các môn cho học sinh cả ba khối.

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Huyền - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức C cho biết, công tác kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1 đang được nhà trường thực hiện đúng tiến độ và hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội. Trước đó, thầy cô đã tiến hành ôn tập cho học sinh để các em nắm vững kiến thức trọng tâm và thành thạo kỹ năng làm bài trước khi bước vào kì thi cuối kì.

nguvan-11.jpg
Cô Nguyễn Thị Huyền - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức C.

Riêng với môn Ngữ văn, nhóm chuyên môn sẽ sử dụng các ngữ liệu nằm ngoài các bộ sách giáo khoa (SGK) mà các em đang học để cho vào đề kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ theo hướng dẫn của Công văn số 3175 ngày 21/7/2022 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo đó, tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.

Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

nguvan-12.jpg
Công tác ôn tập và kiểm tra cuối học kỳ 1 đang được Trường THPT Hoài Đức C tiến hành theo kế hoạch.

Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Cô Thế Thị Nhung - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức C chia sẻ, đây là năm học thứ hai áp dụng Chương trình GDPT 2018. Việc dùng ngữ liệu ngoài SGK giúp học sinh không cần học thuộc lòng mà sẽ vận dụng các kĩ năng mà thầy cô đã hướng dẫn để có thể làm bài, tránh được tình trạng “học tủ”, “học vẹt”; đồng thời phát huy được năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực thẩm mĩ… của học sinh.

nguvan-1.jpg
Việc sử dụng ngữ liệu ngoài SGK trong kiểm tra Ngữ văn được giáo viên, học sinh đón nhận.

Tuy nhiên, theo cô Nhung, việc tìm kiếm ngữ liệu ngoài SGK không nằm trong các bộ SGK của Chương trình GDPT 2018, không trùng với ngữ liệu trong các đề thi trên mạng cũng là một thách thức với giáo viên. Giáo viên cần thiết kế hệ thống câu hỏi theo theo đúng ma trận, ma trận đặc tả do nhóm chuyên môn xây dựng.

nguvan-13.jpg
Học sinh Trường THPT Hoài Đức C trong giờ ôn tập Ngữ văn chuẩn bị kiểm tra cuối học kỳ 1.

Việc xây dựng ma trận đề kiểm tra môn Ngữ văn được các thành viên trong trong nhóm chuyên môn cùng thực hiện, sau đó xây dựng đề minh họa để học sinh có định hướng ôn tập. Đề chính thức được xây dựng dựa trên ma trận, ma trận đặc tả; được BGH phê duyệt và đảm bảo tính bảo mật.

Cấu trúc đề kiểm tra cuối học kỳ dành cho khối 12 học theo Chương trình GDPT 2006 sẽ khác so với khối 10 và 11. Đề lớp 12 gồm hai phần đọc hiểu và làm văn; phần làm văn là các ngữ liệu trong SGK, phần đọc hiểu lấy ngữ liệu ngoài SGK.

nguvan-14.jpg
Tuần từ 25-30/12, học sinh nhiều trường hoàn thành kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1.

Em Văn Thị Hường - học sinh lớp 11A7 Trường THPT Hoài Đức C chia sẻ, hình thức kiểm tra, đánh giá bằng các ngữ liệu ngoài SGK khá hay vì các em không phải học thuộc lòng kiến thức được dạy ở trên lớp mà quan trọng là phải hiểu được bản chất vấn đề, nắm vững đặc trưng thể loại và thường xuyên rèn luyện kĩ năng làm bài.

"Bản thân em cũng cần phải nắm được những kiến thức xã hội thông qua báo đài, intenet để vận dụng những kiến thức ấy vào việc giải quyết các đề nghị luận xã hội. Từ đó, em có thể tự tin hơn khi gặp bất cứ một văn bản hoặc vấn đề nào đề cập trong đề thi. Khả năng sáng tạo, tư duy diễn đạt của mỗi người là khác nhau nên việc sử dụng ngữ liệu ngoài SGK sẽ giúp chúng em chủ động hơn trong việc tự học hỏi, tìm tòi kiến thức mới" Hường tâm sự.

Bài liên quan
Không dùng ngữ liệu SGK ra đề thi Ngữ văn: Băn khoăn vênh, lệch quan điểm giữa thầy và trò
Bộ môn Ngữ văn trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được kỳ vọng sẽ xoá bỏ được cách học vẹt, học tủ, học văn mẫu của học sinh bởi yêu cầu của Bộ GD&ĐT khi kiểm tra, đánh giá không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Vấn đề đặt ra là tiếp cận một trích đoạn hay tác phẩm mới, liệu giáo viên có chấp nhận các quan điểm, góc nhìn khác của học sinh?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa ngữ liệu ngoài SGK vào bài kiểm tra Ngữ văn cần có sự chọn lọc