“Ban giám hiệu đã lên kế hoạch rà soát các nội dung, chương trình giáo viên đã dạy trong thời gian trực tuyến xem các em bị trống, hổng chỗ nào để chỉ đạo phân loại, ôn tập, bù đắp kiến thức. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu thường xuyên nhắc nhở giáo viên quan tâm đến tâm lý học sinh, có hình thức động viên phù hợp để tạo hứng thú học trực tiếp cho các em”, cô Trần Thị Hiền chia sẻ.
Nhiều hình thức dạy học linh hoạt
Dạy học linh hoạt là một trong những yêu cầu các trường học phải thực hiện khi tổ chức cho học sinh đến trường nhằm bảo đảm việc học không gián đoạn, không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Thầy Nguyễn Quang Thắng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn A (huyện Quốc Oai) - thông tin: Qua tham khảo ý kiến của giáo viên, nhà trường quyết duy trì một lớp học trực tuyến vào mỗi tối dành cho những học sinh không thể đến trường học trực tiếp. Giáo viên từng khối được phân công dạy để vừa quan tâm, theo dõi, vừa kiểm tra toàn diện các em sau mỗi buổi học.
Qua 2 tuần triển khai dạy học, Trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng) có 2 cô giáo là F1, mỗi cô có hơn 10 tiết dạy trực tiếp/tuần nên trường không thể bố trí người dạy thay. Cô Lê Thị Lâm - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Ban giám hiệu đã đưa phương án học sinh vẫn đến lớp, giao cho một cô giáo khác quản trật tự, còn cô giáo F1 tiếp tục ở nhà dạy qua Zoom.
Ngoài bảo đảm việc xử lý, giải quyết các phần việc, tình huống trên, công tác rà soát, báo cáo được nhà trường nghiêm túc thực hiện. Đầu giờ học, giáo viên chủ nhiệm các lớp thống kê, có số liệu báo cáo gửi ban giám hiệu tổng hợp về số học sinh F0, F1, ý kiến phản ánh của phụ huynh để nhà trường báo cáo cấp trên.
Cùng với đó, ban giám hiệu, giáo viên các nhà trường thường xuyên liên hệ với phụ huynh để tuyên truyền, động viên, nhắc nhở phụ huynh thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng dịch; chăm sóc sức khỏe con em, cung cấp thông tin đa chiều giúp phụ huynh yên tâm cho con đi học trực tiếp.