Trường còn nghiên cứu, bố trí thời khoá biểu linh động cho môn học với 3 - 4 tiết/tuần. Trung bình tuần 3 tiết thì sẽ có 2 tiết giáo viên chủ nhiệm và 1 tiết chuyên đề; hàng tháng có 2 tiết sinh hoạt dưới cờ do đoàn thanh niên phụ trách cùng sự tham gia của giáo viên bộ môn và chủ nhiệm. Trong hoạt động trải nghiệm, học sinh được nói và làm nên rất hứng thú cùng môn học.
Thầy Nguyễn Đức Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long cũng cho biết, trường chọn sách giáo khoa bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” để giảng dạy môn học này. Vì mới triển khai, giáo viên bỡ ngỡ nên trường tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế để thực hiện. Trong chỉ đạo chuyên môn, trường yêu cầu giáo viên cố gắng bằng nhiều hình thức, phương pháp để học sinh được trải nghiệm, nói, làm…
Thầy Quyết minh chứng cho cách triển khai: Khi dạy về thực trạng môi trường, thầy cô không cho học sinh đi thực tế ở địa phương khác mà hướng dẫn tìm hiểu ngay trong khu dân cư, địa phương sinh sống. Các em sẽ tìm hình ảnh về rác thải, môi trường tự nhiên trong quá trình học tập tại nhà, trên đường đi học và thông tin trên mạng xã hội để xây dựng phần thuyết trình về thực trạng môi trường. Phần thực hành phân loại rác, học sinh sẽ tiến hành ngay tại khuôn viên nhà trường.
“Ở trường, nhiều học sinh khi ăn mì tôm có thói quen đổ thẳng vào thùng rác, khiến thùng rác han, bẩn. Từ thực tế này, tôi lấy luôn làm đề tài và yêu cầu học sinh cho giải pháp. Lập tức học sinh nghĩ đến việc mua xô nhựa để bên cạnh thùng rác để phân loại rác. Chủ đề tuy nhỏ nhưng ít nhất đã dạy cho các em ý thức phân loại rác, dạy cách bảo vệ môi trường… từ những hành động, việc làm sát với đời sống hàng ngày”, thầy Quyết nói.
Cô Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Trường THPT Vĩnh Bảo trăn trở, trường tổ chức dạy 5 chủ đề của môn học. Từ chủ đề đầu tiên giáo viên triển khai còn bỡ ngỡ, nhưng đến chủ đề 2 thêm chút kinh nghiệm thì việc dạy học đã hiệu quả hơn. Nhà trường triển khai học sinh tìm hiểu về giá trị bản thân chỉ qua tờ giấy A4. Trong 2 phút và với tờ giấy trắng các em sẽ sáng tạo ra những sản phẩm từ bàn tay, trí tuệ của mình. Dựa trên sản phẩm, thầy cô sẽ nhận xét, phân tích, định hướng để học trò thấy được giá trị thực tế và ý nghĩa.
Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng chia sẻ: Mục tiêu của chương trình là giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực vì vậy môn học Giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp 10 rất thiết thực, ý nghĩa. Căn cứ theo chương trình và các chủ đề hoạt động, đầu năm học, các trường phải xây dựng kế hoạch nhà trường để tổ chức hoạt động. Từ đó phân công cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách phù hợp với năng lực chuyên môn, nhiệm vụ…
Tuy nhiên, theo ông Lợi, khi triển khai môn học với khối 10, các nhà trường chưa có kinh nghiệm, phần lớn hoạt động còn lúng túng. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã tăng cường chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch bám sát chương trình GDPT 2018; Tuỳ theo mỗi nhà trường khi chọn đầu SGK giảng dạy sẽ tổ chức cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các trường tổ chức một số chuyên đề để giáo viên bộ môn từ các trường cùng dự và rút kinh nghiệm. Thông qua hoạt động sinh hoạt chuyên môn, Sở nắm bắt việc tổ chức, thực hiện ở các nhà trường ra sao, đúng hướng chưa? Từ đó đưa ra những chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp hơn để tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường trong quá trình triển khai môn học mới.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Trưởng phòng GDTH, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng: Với môn trải nghiệm, hướng nghiệp khối 10 không nhất thiết phải cho học sinh trải nghiệm ngoài nhà trường. Trải nghiệm cần hiểu đúng, học sinh phải được làm, nói lên, viết ra những việc, suy nghĩ của bản thân. Quá trình thực hiện bộ môn mới không thể đúng ngay, phải qua thời gian, quá trình giảng dạy để thầy cô nhìn nhận, rút kinh nghiệm và hoàn thiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Sở, Bộ.