Giáo viên cần nhiều ngữ liệu khi kiểm tra Ngữ văn chương trình mới

27/12/2022, 08:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc dạy, kiểm tra môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên (GV) phải nắm bắt nhiều ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa (SGK).

Khi ra đề bài kiểm tra, đánh giá học sinh ở môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, GV phải sử dụng nhiều ngữ liệu mới, ngoài SGK. Ảnh: Duy Hiệu.

Cụ thể, trong chương trình tọa đàm "Dạy học môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018" của Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông (ĐH Quốc gia Hà Nội), các chuyên gia đã chia sẻ về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và cách đánh giá, kiểm tra học sinh của chương trình giáo dục phổ thông mới

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền - giảng viên khoa Sư phạm - ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - thông tin chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018 đã được triển khai vào năm học 2020-2021 đối với khối lớp 1, năm học 2021-2022 đối với lớp 6 và năm học 2022-2023 đối với lớp 10. Dự kiến, đến năm 2025, chương trình mới sẽ hoàn thành việc triển khai ở tất cả bậc học (từ cấp tiểu học đến THPT).

Theo bà Hiền, chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. GV muốn kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh, phải dạy theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất.

"Việc dạy học, kiểm tra định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cần được GV tiến hành thường xuyên liên tục. Trong quá trình đánh giá thường xuyên, thầy cô phải cho học sinh làm quen với hình thức đánh giá này để học sinh không bỡ ngỡ, lo lắng khi gặp các ngữ liệu mới chưa từng có trong SGK", tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền nói.

Đánh giá học sinh qua nhiều ngữ liệu mới

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền cho biết điểm khác nhau giữa chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 và chương trình 2006 là chương trình mới sẽ đánh giá cả phẩm chất, năng lực chung, năng lực chuyên biệt và sự tiến bộ của học sinh thông qua 4 hoạt động nghe, nói, đọc, viết.

GV phải thực hiện đánh giá học sinh thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình dạy học bằng các kỹ thuật như quan sát, ghi chép hàng ngày; đặt câu hỏi, nhận xét bằng lời, trình bày miệng, viết nhận xét, viết thu hoạch, xử lý tình huống... Việc đánh giá này do GV môn học tổ chức với các hình thức là GV đánh giá học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau và học sinh tự đánh giá bản thân.

Bên cạnh đó, theo bà Hiền, GV cũng phải đánh giá học sinh định kỳ (cuối kỳ hay cuối cấp) thông qua các đề kiểm tra, đề thi dưới hình thức tự luận hoặc kết hợp tự luận với trắc nghiệm. GV cũng có thể sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp để đánh giá kỹ năng nói và nghe trong các trường hợp cần thiết và có điều kiện.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền lưu ý trong đánh giá kết quả của học sinh, thầy cô cần chú trọng đến việc đổi mới cách thức đánh giá, đây là quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 - khác với chương trình 2006 trước đó.

"Điểm mới của chương trình 2018 là GV phải sử dụng các ngữ liệu để đánh giá học sinh (đặc biệt là phần đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản). Chúng ta cần khai thác nhiều ngữ liệu để đảm bảo yêu cầu đánh giá được năng lực của người học và khắc phục tình trạng học sinh học thuộc, ghi nhớ kiến thức máy móc và tái hiện lại kiến thức một cách thuần túy", bà Hiền nói.

Để thực hiện điểm mới này, chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 đặt ra yêu cầu là khi ra đề kiểm tra, GV cần tránh dùng lại các văn bản, ngữ liệu đã được sử dụng để dạy học ở trong SGK. Thay vào đó, GV cần chọn ngữ liệu ở ngoài SGK, nhưng phải tương đương với các ngữ liệu đã được chọn để tổ chức dạy học.

"Trong đánh giá hoạt động viết, nói và nghe, GV phải đưa ra các đề bài tránh tình trạng học sinh sao chép những tài liệu có sẵn (chép văn mẫu). Đề bài cũng phải đảm bảo phát huy được tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, tránh để các em học thuộc lòng và tái hiện lại những nội dung mà mình đã ghi nhớ máy móc", bà Hiền nói thêm.

Ngoài ra, để tránh tình trạng "văn mẫu", bà Hiền cho rằng GV cần sử dụng phương pháp dạy học theo hình thức giảng văn hợp lý hơn. Trước đây, phương thức này là GV đọc, hiểu thay học sinh và nói cái hay, cái đẹp bản thân cảm nhận được từ văn bản cho học sinh nghe. Học sinh sẽ phụ thuộc vào cách hiểu của GV, sau đó, khi làm bài thi, các em sẽ tái hiện lại cách hiểu đó mà ít khi có cơ hội nêu cách hiểu của mình.

"Trong đổi mới dạy đọc hiểu, chúng ta không hoàn toàn triệt tiêu phương pháp giảng văn mà cần sử dụng đúng lúc, đúng chỗ hơn. GV có thể sử dụng phương pháp này trong lúc nhận xét kết quả làm việc của học sinh và chia sẻ hợp lý cách cảm nhận văn bản để tạo không khí văn chương cho lớp học, đồng thời giúp học sinh 'bắt chước' cách diễn đạt, trình bày cảm nhận từ GV", bà Hiền nói.

Day Van chuong trinh moi anh 1
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 đặt ra yêu cầu là khi ra đề kiểm tra, GV cần tránh dùng lại các văn bản, ngữ liệu đã được sử dụng để dạy học ở trong SGK. Ảnh: Phương Lâm.

GV cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu ngữ liệu mới

Trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, tiến sĩ Phạm Thị Thu Hiền cho rằng khi tổ chức dạy học theo một bộ SGK nào đó, GV cần bám sát cấu trúc bài học trong sách và có thể tham khảo những bộ SGK khác. Tuy nhiên, dù dạy học bằng bộ SGK nào, GV cũng phải nắm vững các yêu cầu cần đạt để tổ chức dạy học đúng hướng, hợp lý, phù hợp với học sinh và không bị tốn thời gian.

"Thầy cô không nắm được các yêu cầu cần đạt của mỗi bài học mà dạy theo ý muốn chủ quan của bản thân thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải cho học sinh. Đôi khi, một số GV còn không xác định được các yêu cầu cần đạt của bài học, khiến việc dạy học trở nên rất vất vả", bà Hiền nói.

Đồng quan điểm, cô Trần Khánh Hà - GV môn Ngữ văn ở trường TH-THCS Newton 5 (Hà Nội) - nhận định GV phải là người bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các lớp đang giảng dạy.

"Tôi luôn tâm niệm, trước khi lên lớp, mình hãy đóng vai là học sinh để chuẩn bị bài giảng. Tôi hay dùng bút highlight để đánh dấu vào những văn bản trong SGK để xem học sinh đang vướng mắc hoặc cần biết những gì. Trên cơ sở thấu hiểu học sinh, GV sẽ biết bản thân cần khám phá văn bản ở góc độ nào để phù hợp với tâm lý và lứa tuổi của học sinh", cô Hà nói.

Cô Hà cũng chia sẻ quá trình chuẩn bị bài giảng là việc làm cần thiết để GV soạn bài và nắm bắt các ngữ liệu mới trong SGK.

"Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 có rất nhiều ngữ liệu mới, đòi hỏi GV phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu, đào sâu các tài liệu để tìm hiểu rõ ràng về nội dung nghệ thuật của các ngữ liệu này", cô Hà nói.

Ở trường, cô Hà chọn một bộ SGK chính để dạy học và sử dụng ngữ liệu trong bộ sách đó. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, cô Hà sẽ sử dụng thêm nhiều ngữ liệu, tham khảo các bộ sách khác và các văn bản ngoài SGK. Theo cô Hà, khi học sinh không bị giới hạn phạm vi ngữ liệu, các em sẽ được tìm hiểu nhiều văn bản và có thêm trải nghiệm trong việc học tập môn Ngữ văn.

Bên cạnh đó, cô Hà nhận định điều quan trọng cốt lõi trong giờ dạy học Ngữ văn chương trình 2018 là GV phải tạo một tâm lý thoải mái, định hướng kỹ năng và hứng thú học tập cho học sinh.

"Với học sinh, tâm lý thoải mái là điều rất quan trọng. Hôm nay, các em có thể chưa làm được hoặc đạt được yêu cầu thì ngày mai sẽ rèn luyện dần. Chỉ cần các em tốt hơn ngày hôm qua là đáng mừng rồi", cô Hà nói.

Bài liên quan
Đưa học sinh ở điểm lẻ ra trường chính học Chương trình mới
Để học sinh có điều kiện học và tiếp thu kiến thức tốt nhất, trường vùng sâu đã đưa các em lớp 3 ở điểm lẻ ra trường chính học tập.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên cần nhiều ngữ liệu khi kiểm tra Ngữ văn chương trình mới