Giáo viên kiện nguyên Chủ tịch thành phố Hưng Yên

Ngọc Thành | 21/04/2022, 16:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Bà Trần Thị Lịch giáo viên trường THCS Hiến Nam kiện nguyên chủ tịch UBND TP Hưng Yên vì có dấu hiệu áp dụng sai luật. Vụ việc phơi bày nhiều sự thật trong môi trường sư phạm lẫn cơ quan chức năng thành phố này.

thcs-hien-nam-hung-yen.jpeg

Ra quyết định không đúng thẩm quyền?

Bà Trần Thị Lịch thuộc tổ Xã hội, trường THCS Hiến Nam. Bà là giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, thành phố 2 môn Ngữ văn, Lịch sử và đã hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao trong quá trình 18 năm công tác.

Hai năm học 2019-2020 và 2020-2021, bà Lịch liên tiếp bị xếp loại viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân được căn cứ trên các sai phạm gây tranh cãi và kiện tụng kéo dài.

Ngày 15/5/2020, ông Nguyễn Tuấn Cường khi đó làm chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên ra Quyết định 959/QĐ-UBND kỷ luật hình thức: 1- Khiển trách và 2 - Kéo dài thời gian tăng lương 03 tháng đối với bà Trần Thị Lịch.

Sau nhiều lần khiếu nại về hình thức kỷ luật bất thành, bà Trần Thị Lịch đã gửi đơn khiếu kiện nguyên chủ tịch TP Hưng Yên ra toà án.

Đơn khởi kiện của bà Lịch chứng minh rằng, người ra quyết định 959 là không đúng thẩm quyền pháp luật, được quy định tại Luật Viên chức. Theo đó, viên chức Trần Thị Lịch không phải là cán bộ quản lý. Luật quy định thẩm quyền ra quyết định kỷ luật trong trường hợp này là hiệu trưởng trường THCS Hiến Nam.

Cũng theo bà Lịch, hình thức kỷ luật trong quyết định 959 đã vi phạm Luật Lao động khi áp dụng cùng một lúc 2 nội dung kỷ luật. Theo luật định chỉ được áp dụng 1 hình thức kỷ luật.

QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN KỶ LUẬT VIÊN CHỨC

Theo khoản 2, điều 31, Nghị định 112/2020 quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức: "Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật."

Phân công nhiệm vụ theo kiểu đánh bẫy?

Theo kết luận, giáo viên Trần Thị Lịch chưa chấp hành sự phân công của nhà trường mà không có lí do chính đáng. Kết luận dựa trên sự việc bà Lịch không giảng dạy 01 tiết Lịch sử đầu học kỳ 2 của lớp 8A.

Theo phân công công tác, môn lịch sử lớp 8A do giáo viên Xuân giảng dạy từ đầu năm. Nhưng đến học kỳ 2 thì được BGH chuyển cho bà Lịch. Việc giao lớp mới được thông báo trên bảng tin thời khoá biểu và không có kế hoạch năm.

Bà Lịch cho rằng: "Chủ tịch TP Hưng Yên đã áp dụng sai Nghị định 27. Việc phát sinh lớp giảng dạy không có trong kế hoạch năm học, nhưng không trao đổi trực tiếp với giáo viên là hành vi "đánh bẫy". Đó không phải phân công nhiệm vụ. Quyết định 959 sai trái là cơ sở để đánh giá quá trình công tác của tôi một cách không công bằng, khách quan, dẫn đến kết quả không hoàn thành nhiệm vụ năm học mà trường Hiến Nam đã đánh giá. Nó là căn nguyên cho các quyết định sai phạm pháp luật sau này của hiệu trưởng THCS Hiến Nam".

Trả lời vấn đề này, ông Nguyến Tuấn Cường khẳng định việc mình ký quyết định là đúng thẩm quyền. Vì ông là người tuyển dụng người lao động, viên chức, ký quyết định tăng lương, quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng... Đối với các nội dung chi tiết khác vì lâu quá nên ông Cường không nhớ và đề nghị phóng viên làm việc với thành phố.

thcs-hien-nam.jpeg

Nhiều lần tố cáo hiệu trưởng Phạm Thanh Hương 

Trong quá trình công tác tại trường THCS Hiến Nam, bà Trần Thị Lịch đã nhiều lần tố cáo bà Phạm Thanh Hương, hiệu trưởng vì vi phạm nhiều quy định của Đảng và Nhà nước. Theo đơn tố cáo, bà Phạm Thanh Hương với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng đã cố ý chuyển vi phạm của một giáo viên trong năm học 2018-2019 sang năm học 2019-2020. Hành vi này là trái với quy định của pháp luật để báo cáo sai thành tích cá nhân và tập thể, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Trong vai trò công tác lãnh đạo và chỉ đạo điều hành của hiệu trưởng trường THCS Hiến Nam, bà Phạm Thanh Hương đã không ghi nhận thành tích cá nhân giáo viên Trần Thi Lịch. Cụ thể, trong các năm học 2017-2018, 2018-2019, bà Lịch đã hoàn thành xuất sắc năm học biệt phái. Được bình bầu là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi có thành tích đạt "Giải nhì cuộc thi kể chuyện về học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

"Bà Hương cố tình lãng quên và không khen thưởng công tâm, khách quan, vi phạm cả quy định thi hành Điều lệ Đảng cũng như Luật Cán bộ, Công chức. Tôi rất đau lòng nhưng phải thẳng thắn nhận định đây là hành vi trù dập, cố tình hãm hại sự nghiệp giảng dạy của tôi mà được thể hiện trong nhiều quyết định sai trái sau này", bà Lịch cho biết.

Trả lời Giáo dục Thủ đô, bà Phạm Thanh Hương cho biết: "không tự động chuyển được vi phạm, nó là chế độ chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước". Bà Hương đề nghị "liên hệ với thành phố của chị" để làm việc.

Giáo dục Thủ đô nhận được đơn tố cáo của bà Trần Thị Lịch đối với hiệu trưởng THCS Hiến Nam về các sai phạm trong công tác quản lý. Sự việc bắt đầu từ quyết định xếp loại 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ của bà Trần Thị Lịch (năm học 2019-2020 và 2020-2021).

Cho rằng các căn cứ xếp loại không đúng pháp luật, bà Lịch đã tiến hành: kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện và cả tố cáo hiệu trưởng Phạm Thanh Hương cùng các cá nhân liên quan đến vụ việc. Sau 2 lần khiếu nại, bà Trần Thị Lịch đã khởi kiện ra toà theo luật, tuy nhiên toà án không chấp nhận thụ lý với lí do "việc nội bộ".

Sự việc có 3 nhóm đơn gồm: 1 - khiếu kiện các quyết định liên quan đến xếp loại công tác; 2 - tố cáo và khiếu kiện giải quyết tố cáo đến các vấn đề sai phạm tại trường THCS Hiến Nam; 3 - Khởi kiện hành chính tại toà án và các khiếu kiện vấn đề thụ lý vụ việc của Toà án. Hiện, chính quyền các cấp tại Hưng Yên vẫn đang trong quá trình giải quyết vụ việc trên.

Bài liên quan
Thu hồi 16 bằng tốt nghiệp trung cấp của giáo viên Trường THPT Cao Bá Quát
Hà Nội vừa thu hồi 16 tấm bằng tốt nghiệp trung cấp ngành Công nghệ thông tin của giáo viên Trường THPT Cao Bá Quát - Gia Lâm do không đúng tên ngành/nghề đào tạo.

(3) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên kiện nguyên Chủ tịch thành phố Hưng Yên