Hai tính cách làm nên nhà nghiên cứu

Hoàng Tả Pháp | 03/05/2022, 06:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TS Lê Ngọc Liễu (giảng viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM) là ứng viên nữ đạt chuẩn PGS trẻ tuổi nhất ở lĩnh vực công nghệ thực phẩm.

TS Lê Ngọc Liễu đã công bố 35 bài báo khoa học, trong đó có 20 bài báo thuộc Q1, xuất bản 2 chương sách thuộc NXB Elsevier và được cấp 1 bằng sáng chế đa quốc gia (Hoa Kỳ, châu Âu, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới). Ngoài ra, chị còn tham gia các hội nghị quốc tế, hội thảo tại các trường đại học nước ngoài với vai trò diễn giả khách mời và tham gia phản biện cho các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Mặc dù học đại học và thạc sĩ về Công nghệ thực phẩm, nhưng chị chọn học tiến sĩ ngành Hóa học với nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực môi trường. Theo chị, việc chọn hướng nghiên cứu này xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của Singapore (nơi chị học tiến sĩ) cũng như của thế giới thời điểm đó về phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng thay thế. Mặc dù nhiên liệu sinh học có tiềm năng trở thành một trong các nguồn năng lượng thay thế nhưng quy trình sản xuất còn phức tạp và lại tốn năng lượng. Do đó chị muốn tìm kiếm quy trình thích hợp hơn để có thể giảm giá thành cho nguồn năng lượng này.

Đây cũng là đề án giúp chị nhận được 2 giải thưởng quốc tế (Green Talents 2013 của Đức và IES Prestigious Engineering Achievement Award 2010 của Singapore).

Sau này, TS Liễu còn nghiên cứu tìm kiếm nguồn năng lượng từ biển cả, phát triển quy trình chuyển hóa chênh lệch áp suất thẩm thấu của nước biển với nước từ sông ngòi thành điện năng. Đề án này được chọn là 1 trong 100 đề án nghiên cứu khoa học toàn thế giới thuyết trình tại Berlin trong cuộc thi Falling Walls Lab (Đức, 2014) và cũng được cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ.

Ngoài lĩnh vực năng lượng, chị cũng chú trọng nghiên cứu vào xử lý nước thải và tận dụng các nguồn phụ phế phẩm từ nông nghiệp để phát triển thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn như là bao bì phân hủy sinh học. Đề tài này hiện được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). TS Lê Ngọc Liễu cũng là 1 trong 10 gương mặt vừa được trao Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu Vàng năm 2019.

Chia sẻ về công việc, chị quan niệm rằng làm nghiên cứu khoa học mặc dù gian nan, mạo hiểm những cũng rất thú vị. “Tôi nghĩ có hai tính cách chính làm nên một nhà nghiên cứu. Đầu tiên là tính tò mò, thích khám phá, luôn đặt câu hỏi, tìm kiếm giải pháp. Tiếp đó là tính kiên trì, vì không nhà nghiên cứu nào có thể khẳng định những giả định mình đặt ra là đúng, nghiên cứu chắc chắn sẽ thành công.

Do đó người nghiên cứu phải quen với cảm giác thất bại nhưng không nản chí. Và khi thất bại thì sẽ tìm hiểu nguyên do tại sao và cách khắc phục, rồi lại lặp lại cho đến khi thành công. Có lẽ nhờ có cả hai tính cách này nên đôi khi bản thân cũng mệt mỏi vì những lý do khách quan nhưng niềm đam mê của tôi với nghiên cứu khoa học vẫn còn nguyên vẹn”, TS Liễu tâm sự.

Cựu sinh viên IU Trần Bảo Uyên cho biết: “Trong bốn năm ở IU, tôi đã học được nhiều điều từ cô Liễu, đặc biệt là sự lạc quan, bình tĩnh và tinh thần sống hết mình. Điều tôi ngưỡng mộ nhất ở cô là khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cô cũng là một người đam mê xê dịch. Cô có rất nhiều chuyến đi khám phá những vùng đất mới đầy thú vị rồi về chia sẻ những trải nghiệm cho mọi người. Do đó, tôi rất thích đọc những bài viết của cô trên Facebook. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được làm sinh viên của cô tại IU…”.

Nghiên cứu khoa học là con đường không nói trước được, cũng không biết thành công hay thất bại, nên tinh thần lạc quan là điều vô cùng thiết yếu nếu muốn theo đuổi tới cùng. Đôi khi chúng ta thất bại cả trăm, nghìn thí nghiệm thì mới được một lần thành công. Làm lại và chính vì thế mà mình cần tinh thần lạc quan, kiên trì, bền bỉ trong việc nghiên cứu mới có thể tiến thêm một bước trên con đường mình đi… - TS Lê Ngọc Liễu
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/hai-tinh-cach-lam-nen-nha-nghien-cuu-E2fkKewng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/hai-tinh-cach-lam-nen-nha-nghien-cuu-E2fkKewng.html
Bài liên quan
Chủ động trong phòng chống bạo lực học đường
Bạo lực học đường, đặc biệt bạo lực trong học sinh nữ liên tiếp xuất hiện thời gian gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai tính cách làm nên nhà nghiên cứu