Hai đầu phụ cũng thể hiện tương tự nhưng nhỏ hơn. Xung quanh có có một vành hình ngọn lửa, trên mỗi tia lửa có chạm hoa văn sóng nước. Vành lửa kết hợp với ba đầu rắn tạo thành một hình lá đề cách điệu.
Phần thân lớn cũng có vảy cá xếp lớp phía trên, còn phía dưới cổ nơi chia tách ra ba đầu có hai vòng cánh sen chạm nổi cao song song nhau, phía dưới là hình bánh xe pháp luân.
Hiện vật rắn thần Naga bằng đồng tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. |
Vị thần bảo vệ
Theo giới nghiên cứu, Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ con rắn hổ mang - loài rắn mà nọc độc có thể giết chết một con voi trưởng thành. Loài rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Shiva vì chúng bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh.
Ở Đông Nam Á, tục thờ rắn rất phổ biến, thường bắt gặp trong các công trình chùa tháp. Trong tín ngưỡng dân gian của người Campuchia, thần rắn Naga có một vai trò quan trọng. Naga không đơn thuần là một vị thần tối thiêng mà còn đồng nghĩa với tính liên tục của lịch sử đất nước này.
Cận cảnh các chi tiết của đầu rắn thần Naga |
Ở Campuchia, Thái Lan và Lào rắn được khắc trong đền thờ, cầu thang lên đền, trên các diềm mái, đầu đao, mái hiên đền, chùa, vì rắn canh gác bảo vệ nơi linh thiêng như đền đài.
Trong các ngôi chùa Khmer, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma, bảo vệ đức Phật và bảo vệ các ngôi chùa tránh khỏi hỏa hoạn.
Ngoài ra cũng có hình tượng rắn Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, xe tang - tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn Tavatimsa.