Di vật vừa được phát hiện tại Thành nhà Hồ. |
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học còn phát hiện dấu tích cụm kiến trúc con Rồng nằm gần ở vị trí có thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ. Đây chính là vị trí từng được GS.TS Lưu Trần Tiêu dự đoán, có thể nơi đây sẽ tìm thấy dấu tích chính điện của Thành nhà Hồ.
“Do nằm dưới 2 thành bậc này, nên chúng tôi tạm gọi là cụm kiến trúc con Rồng. Cụm kiến trúc này mới chỉ khai quật được nửa phía Đông. Hiện đã xác định cụm này có 5 kiến trúc kết nối với nhau thành một cụm liên hoàn.
Cụm trung tâm có ba đơn nguyên kiến trúc tạm gọi là kiến trúc Nam, kiến trúc giữa và kiến trúc Bắc kết nối với nhau - theo xu hướng tạo thành một mặt bằng tổng thể hình chữ Công”, đại diện Viện Khảo cổ cho biết.
Đơn nguyên kiến trúc Nam là một kiến trúc lớn nhất với các móng cột lớn dạng móng kép. Được xuất lộ với bước gian và vị trí quy chuẩn, thẳng trục chính tâm, dài trung bình 5,2m – 5,4m, rộng 1,8m, bước gian 5,4m, lòng gian khoảng 7,5m - là lòng gian có kích thước lớn nhất so với các kiến trúc đã xuất lộ.
Tuy chưa khai quật hết nhưng có thể tính toán đối xứng từ tâm kiến trúc tương ứng với tâm của con đường Hoàng gia, có thể đoán kiến trúc này nếu xuất hiện đầy đủ có thể lên tới 9 gian.
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê, và nhiều loại gạch hình vuông, hình chữ nhật, gạch trang trí in chữ Hán...
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam - cho rằng: “Cuộc khai quật bước đầu đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng gia trong nội thành di sản Thành nhà Hồ.
Điều quan trọng hơn và là mục tiêu lớn nhất trong công cuộc khai quật - là nghiên cứu con đường Hoàng gia nhằm tìm hiểu cấu trúc tổng thể của kinh đô. Về mặt này, cuộc khai quật đã có nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử”.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, khu di sản này được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới năm 2011, trên cơ sở hai tiêu chí nổi bật toàn cầu. Trong đó, có tiêu chí về giá trị kiến trúc cảnh quan vĩ đại và độc đáo bậc nhất của khu vực Đông Á và Đông Nam Á - trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều kiến trúc đã xuất lộ trên trục đường Hoàng gia cần được nghiên cứu kỹ hơn về vị trí và chức năng. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn vì tư liệu để lại hầu như không còn, ngoài một vài công trình được ghi chép chung chung là chính điện, điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực…
Vì vậy, muốn làm rõ đòi hỏi phải mở rộng công tác nghiên cứu tổng thể, khai quật khảo cổ học, nghiên cứu đối sánh cấu trúc của các kinh đô cổ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.