“Niềm hạnh phúc nhất của nghề dạy học với tôi chính là nhìn thấy sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Cảm nhận được những giá trị và ý nghĩa mà mình để lại cho các em, đó không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là giáo dục nhân cách cho học trò”, thầy Tuấn chia sẻ.
Thầy Lê Đăng Thành – Hiệu trường Trường THCS Nhữ Bá Sỹ cho biết: Thầy Tuấn là một trong những giáo viên năng nổ, nhiệt huyết của nhà trường. Trong quá trình giảng dạy, thầy thường xuyên tham gia viết SKKN và được đánh giá cao. Thầy cũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và có năng lực chuyên môn tốt.
Luôn cùng trò vượt qua khó khăn
Mặc dù, là ngôi trường có “tuổi đời” còn non trẻ (thành lập năm 2006) ở khu vực 6 xã vùng cao của huyện, song thầy và trò Trường THCS – THPT Bá Thước 3 (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) vẫn đang nỗ lực từng ngày.
Để từ đó hướng tới môi trường học tập hạnh phúc, nhiều SKKN chất lượng cao, ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.
So với miền xuôi, hành trình “gieo chữ” ở vùng cao của các thầy, cô giáo có phần gian nan, vất vả. Đó cũng là câu chuyện của thầy Lê Văn Sâm, giáo viên môn Thể chất, Quốc phòng - Trường THCS – THPT Bá Thước 3.
Sinh ra ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), thầy Sâm xung phong lên “chia khó” với ngôi trường vùng cao năm 2007. Thế nhưng, hành trình san sẻ khó khăn của thầy lại trải qua muôn vàn khó nhọc.
“Thời điểm mới về trường công tác, tôi mới cảm nhận được khó khăn của giáo viên và HS nơi đây. Lúc đó, trường chỉ có 6 dãy nhà cấp 4 đơn sơ, đời sống khó khăn, thiếu thốn cả nước sinh hoạt”, thầy Tuấn chia sẻ.
Không chỉ thiếu thốn về vật chất, hành trình “gieo chữ” của thầy cô vùng cao còn vô cùng gian nan khi có những thời điểm HS lần lượt bỏ học. “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em không còn động lực học tiếp. Để các em trở lại trường, chúng tôi phải kết hợp với chính quyền địa phương lặn lội vào tận nhà để động viên gia đình”, thầy Sâm bộc bạch.
Với sự nỗ lực cố gắng của Ban giám hiệu, giáo viên cùng sự quan tâm của Nhà nước, Trường THCS-THPT Bá Thước 3 những năm gần đây đã duy trì tốt sĩ số lớp.
Cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện tổng số HS của trường khoảng 700 em (gồm cả 2 khối học). Tỷ lệ HS là con em dân tộc thiểu số chiếm hơn 98%.
Theo cô Thu, trong thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục duy trì sĩ số lớp. Đồng thời, phát triển nhiều SKKN tốt, ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.
“Nhiều giáo viên của nhà trường cũng là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, các thầy, cô giáo có sự đồng cảm và thấu hiểu các em nhiều hơn.
Khi dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, nhà trường cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, giáo dục cho các em về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội… Cũng nhờ vậy, các em ngày càng yêu trường, mến lớp hơn”, cô Hà Thị Thu chia sẻ.