Bài học liên kết
Tác giả kịch bản Lê Thế Song chia sẻ: “Viết về một nhân vật Thánh Mẫu mà ai cũng biết, rất khó. Tôi may mắn khi được đồng hành với hai đạo diễn tài năng Trung Kiên và Toàn Thắng. Các anh đã bồi đắp thêm cho kịch bản. Thánh Mẫu giáng trần rất nhiều lần, tôi chọn ba lần điển hình nhất để vở diễn có thể co lại trong 2 tiếng”.
Theo truyền thuyết dân gian, Mẫu Liễu Hạnh vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, ba lần giáng trần cứu nhân độ thế, truyền dạy nhiều nghề truyền thống và những khúc văn ca cho người dân.
Những lớp diễn cảm xúc được kéo đẩy bằng hình ảnh các bạn trẻ thời nay đi xuyên không vào quá khứ, hòa mình vào câu chuyện về những cuộc tái sinh luân kiếp duyên nợ.
Nếu như sân khấu cải lương là ước lệ và mềm mại, thì sân khấu xiếc là trực diện, mạnh mẽ. Đặc biệt, sự tham gia của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu trong nghi thức hầu đồng đã đem đến một không gian đa sắc màu, truyền thêm ngọn lửa tình yêu di sản đến khán giả.
Đây không phải vở diễn đầu tiên cải lương kết hợp với xiếc. Cuối năm 2020, vở diễn “Cây gậy thần” được Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương phối kết “thổi cơm chung” đã tạo nên sự khác biệt chưa từng có của huyền tích Tiên Dung - Chử Đồng Tử.
Sự kết hợp lần thứ hai của xiếc – cải lương, một lần nữa khẳng định sự bứt phá táo bạo của nghệ thuật sân khấu Việt. Đồng thời cũng đem lại bài học về liên kết, đồng hành cùng nhau để vượt khó thắp sáng ánh đèn sân khấu.
NSND Triệu Trung Kiên cho biết, sự kết hợp liên nhà hát với các loại hình nghệ thuật khác nhau sẽ giúp ngôn ngữ biểu diễn của tác phẩm phong phú hơn. Vở diễn trở nên đa dạng, các kỹ thuật sẽ hỗ trợ cho nhau một cách hài hòa đem lại cảm giác dễ chịu, hào hứng cho người thưởng thức.
Trong vở diễn “Thượng thiên Thánh mẫu”, ngoài sự liên kết của hai đơn vị nói trên, còn có sự góp mặt của NSND Tự Long thuộc Bộ Quốc phòng. Những khúc văn ca Thánh Mẫu và nghi lễ hầu đồng thêm giàu cảm xúc bởi giọng ca lắng đọng, một lần nữa chứng minh hiệu quả của sự kết hợp liên nhà hát và liên nghệ thuật.