Những trẻ em nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định phong toả trong đại dịch Covid-19. Các hành vi hung dữ như cắn và đánh, cảm giác vật lộn trong lớp ở trẻ em là một trong những khó khăn được giáo viên báo cáo.
Nghiên cứu được xuất bản bởi Education Endowment Foundation cho thấy, trẻ em ở Anh đang gặp khó khăn về thể chất tinh thần cũng như khả năng học ngôn ngữ và kỹ năng toán học.
Claudine Bowyer-Crane, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia, cho biết: “Đối với nhiều trẻ em, trải nghiệm phong toả khó khăn hơn do điều kiện sống chật chội, không được tiếp cận với không gian xanh, khó khăn về sức khỏe tâm thần của cha mẹ và tài chính".

Nhiều giáo viên chia sẻ, sự gián đoạn đã khiến một số trẻ tự ti. Trong khi đó, nhiều trẻ “cảm thấy quá tải” vì việc học. Giáo viên cũng nêu rõ các vấn đề về hành vi ngày càng tăng khi trẻ đi học trở lại. Cụ thể, một số học sinh có hành vi "cắn, đánh, không thể chia sẻ". Điều đó dẫn đến việc giáo viên phải tập trung nhiều hơn để giúp trẻ ổn định trở lại trường học.
Nghiên cứu đã xem xét hơn 3.000 trẻ em bắt đầu đi học vào tháng 9/2020. Năm học của các em bị gián đoạn bởi đợt phong toả thứ hai vào tháng 11/2020 và lần thứ ba vào tháng 1 - 3/2021. Nhiều trẻ ở tuổi mầm non đã bỏ học.
Các giáo viên cho biết, một số phụ huynh đã không thể giúp con học trong thời gian phong toả. Điều đó gây khó khăn cho việc dạy đọc và viết. Nghiên cứu cũng cho thấy, nhiều trẻ em hoàn thành kế hoạch học chậm hơn so với mục tiêu. Cụ thể, mỗi lớp học có khoảng 3 trẻ em không đạt được mức độ phát triển như mong đợi về học tập và thể chất.