Tại cuộc họp về kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2022 do UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, ông Thuận nêu thực trạng: “Để giải quyết vướng mắc này, huyện có giải pháp là giao các trường tìm kiếm giáo viên hợp đồng, song thực tế không có nguồn giáo viên, nên phải thực hiện dạy trái môn, người có trình độ trung cấp mầm non có thể dạy tiểu học. Mong tỉnh chấp nhận giải pháp này của địa phương”.
Thầy Nguyễn Văn Nhân (bên trái) - giáo viên hợp đồng với mức lương 3 triệu/tháng đang dạy tại điểm trường Ông Bình, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. |
Tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, Trường ĐH Quảng Nam năm 2020, cô Hồ Thị Hồng có 2 năm làm hợp đồng ở UBND xã Trà Nam. Tháng 12/2022, cô Hồng chuyển sang dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My).
“Khi mới ký hợp đồng, Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện để tôi có 1 tháng dự giờ các tiết dạy của thầy cô bậc tiểu học. Trong một tháng học việc, tôi vừa dự giờ, ghi chép các bước lên lớp, mượn luôn cả giáo án của các thầy cô để so sánh với giờ dạy thực tế, học cả cách giảng bài, ghi bảng, chấm bài, nhận xét...”, cô Hồng kể.
Sau một tháng chỉ đi dự giờ và tự học các mô-đun bồi dưỡng giáo viên của Chương trình GDPT 2018 qua tài khoản nhà trường cho mượn, cô Hồ Thị Hồng chính thức được phân công dạy – học lớp 3.
Cô Hồng cho biết: “Giờ tôi vẫn phải đang vừa dạy vừa học từ các thầy cô đi trước. Có không ít tình huống sư phạm, tôi vẫn phải tham khảo cách xử lý từ đồng nghiệp như cách để học sinh tập trung trong giờ học, cách khuyến khích các em có được động cơ học tập tốt, hoàn thành các bài tập được giao...”.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam có 6 giáo viên hợp đồng không được đào tạo chuyên ngành sư phạm mà tốt nghiệp cử nhân ở một số ngành học khác. 6 giáo viên này đều dạy các lớp tiểu học. Ngoài ra, cô giáo Hồ Thị Hiếc, dù trúng tuyển viên chức ở vị trí ứng tuyển cho môn Ngữ văn THCS phải vừa dạy tiểu học vừa thêm 4 tiết Ngữ văn lớp 8 vì nhà trường không đủ giáo viên tiểu học. Trước đó, cô Hiếc là giáo viên hợp đồng dạy tiểu học tại trường.
Thay vì tháng 9 mới bắt đầu ký hợp đồng với giáo viên, thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam - cho biết, nhà trường trình lên Phòng GD&ĐT Nam Trà My phương án thời gian hợp đồng được tính từ tháng 8. Nguồn chi trả lương cho giáo viên sẽ cân đối từ kinh phí chi khác của nhà trường. Với cách làm này, theo thầy Chín, giáo viên hợp đồng vừa có thu nhập để “giữ chân”, xem như là chế độ đãi ngộ của trường bởi gần như trường nào cũng thiếu giáo viên cả, tìm kiếm nguồn để ký hợp đồng là rất khó.
Trong tháng 8, nhà trường đồng thời tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị cho giáo viên, sinh hoạt tổ chuyên môn, thảo luận kế hoạch soạn giảng, vận động học sinh ra lớp… “Rất nhiều công việc trong tháng 8 để chuẩn bị tốt cho năm học mới. Nếu giáo viên hợp đồng tham gia từ sớm thì sự chủ động và bắt nhịp trong công việc sẽ tốt hơn”, thầy Chín khẳng định.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam) hiện có 17 giáo viên hợp đồng. Trong số này, có 13 giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm tiểu học. Số còn lại, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn, nhà trường hợp đồng từ nhiều nguồn như Sư phạm Lịch sử, Địa lý...
“Kỳ thi tuyển viên chức giáo dục Nam Trà My vừa rồi, nhà trường có 2 giáo viên hợp đồng đủ yêu cầu tham gia thi tuyển do đã tốt nghiệp cử nhân sư phạm. Với 13 giáo viên trình độ trung cấp sư phạm còn lại, chúng tôi động viên và cũng tạo điều kiện cho thầy cô đi học nâng cao để đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi viên chức ngành Giáo dục trong những đợt tới” – thầy Tuấn cho biết.
Với 6 giáo viên hợp đồng trái ngành, Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam động viên và sẽ hỗ trợ để tham gia học bằng 2 đại học sư phạm chuyên ngành tiểu học. “Chúng tôi đã kiến nghị với Phòng GD&ĐT và UBND huyện Nam Trà My có thể hợp đồng với Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng mở một lớp văn bằng 2 ngành sư phạm tiểu học ngay tại huyện. Lớp học này sẽ thu hút số sinh viên tốt nghiệp đại học ở các ngành học khác của địa phương có mong muốn theo nghề dạy học theo học. Đây sẽ là cách tạo nguồn giáo viên tại chỗ, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học cho địa phương”.
Số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển kỳ thi viên chức ngành Giáo dục của bậc THCS vượt xa so với chỉ tiêu biên chế. Thế nhưng, số hồ sơ đăng ký dự tuyển ở bậc tiểu học còn thiếu rất nhiều. Trong khi đó, Nam Trà My vẫn còn một số lượng những sinh viên tốt nghiệp các ngành học khác chưa có việc làm. Đây là những học sinh người đồng bào ngay tại địa phương. Các em được học nội trú từ bé và được đào tạo căn bản. Nếu gửi đi đào tạo đúng chuyên ngành sư phạm tiểu học, cơ hội trúng tuyển viên chức của họ là rất cao và cũng là giải pháp căn cơ nhất để góp phần giữ ổn định đội ngũ giáo viên cho địa phương. - Thầy Võ Văn