Một năm không phải 365 ngày

Đặng Vũ Tuấn Sơn | 06/01/2022, 16:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một năm trong âm lịch không phải là 365 ngày. Đo đó mới có năm nhuận, tháng nhuận để “đuổi kịp” dương lịch.

Tiết khí và trung khí

Tiết khí và trung khí, ngày này thường được gọi cho ngắn gọn chung là tiết khí hay đơn giản là tiết, là các giai đoạn khác nhau trong năm, mỗi giai đoạn dài khoảng 15 đến 16 ngày, đặc trưng bởi những đặc điểm thời tiết khác nhau trong năm. Chúng được đúc rút ra từ quan sát thời tiết của người xưa qua rất nhiều năm và được đặt tên để đặc trưng cho thời tiết tương ứng. Chẳng hạn tiết đầu tiên trong năm là lập xuân, tức là bắt đầu mùa xuân, hay tiếp cuối năm tên là đại hàn, ám chỉ rằng giai đoạn này thường có rét đậm. Trên quan điểm thiên văn học thì các tiết này tương ứng với các vị trí khác nhau của Trái Đất trên quĩ đạo chuyển động của nó quanh Mặt Trời.

Có tất cả 24 giai đoạn xen kẽ tiết khí và trung khí hợp lại thành một năm, tương đương với một chu kỳ thời tiết.

Một điểm cần lưu ý là trên thực tế, các tiết này có ngày tháng không cố định theo Âm lịch nhưng lại gần như cố định trong Dương lịch là bởi Dương lịch vốn được đặt theo chu kỳ của Trái Đất quanh Mặt Trời, không có tháng nhuận như âm lịch nên không có sự lệch về ngày tháng so với thời tiết. Chẳng hạn tiết lập xuân luôn rơi vào mùng 4 hoặc 5 tháng 2 Dương lịch nhưng lại có thể là một ngày nào đó từ cuối tháng chạp cho đến giữa tháng giêng trong Âm lịch theo tuỳ từng năm.

lich.jpg
Một năm trong âm lịch không đúng 365 ngày.

Năm và năm nhuận

Ngày nay với kiến thức về thiên văn học đã có thì chúng ta biết rằng một năm là một chu kỳ chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời, chính là chu kỳ năm Dương lịch. Một năm như vậy ứng với chu kỳ biến đổi thời tiết. Người phương Đông trước đây thì không dựa vào vị trí của Mặt Trời mà dựa vào vị trí của Mặt Trăng, nên khi ước đoán chu kỳ thời tiết thì họ thấy chu kỳ này tương đương với khoảng 12 tuần Trăng, do đó một năm được qui ước là độ dài của 12 tuần Trăng, hay 12 tháng.

Tuy nhiên sau đó người ta nhận ra là chu kỳ 12 tuần trăng này ngắn hơn chu kỳ thực của thời tiết khoảng 10 ngày, như vậy nếu cứ để nguyên 1 năm 12 tháng thì cứ ba năm lịch sẽ đi chậm so với chu kỳ thời tiết khoảng 1 tháng, càng nhiều năm độ lệch càng cao. Do vậy nên người phương Đông xưa đưa thêm vào tháng nhuận. Cứ khoảng ba năm thì lại có một tháng nhuận. Về qui tắc tính thì người ta lấy ngày đông chí hàng năm làm mốc. Năm nào mà giữa hai ngày đông chí có 13 điểm sóc thì năm đó có thêm tháng thứ 13. Năm có tháng nhuận này được gọi là năm nhuận âm lịch, tháng nhuận được chọn là tháng đầu tiên trong năm không chứa trung khí nào, và được lấy tên theo tháng ngay trước nó.

Với việc cải tiến để Âm lịch “đuổi kịp” Dương lịch và phù hợp với chu kỳ thời tiết, loại Âm lịch chúng ta dùng ngày nay đôi khi còn được gọi là “Âm Dương lịch”. Tuy nhiên về cơ bản thì nó vẫn lấy cơ sở ban đầu của Âm lịch ban đầu, do đó để ngắn gọn chúng ta vẫn có thể gọi nó là “Âm lịch” như cách gọi tên thông dụng.

Có gì hạn chế trong Âm lịch?

Hạn chế cơ bản nhất của Âm lịch là: vì trên thực tế một chu kỳ Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời không phải là tương đương với 12 tuần Trăng (12 tháng Âm lịch) mà dài hơn khoảng 10 ngày, do đó dù Âm lịch được bổ sung việc tính năm nhuận nhưng sự dịch chuyển về ngày tương ứng hàng năm khiến cho ngày tháng trong Âm lịch không phản ánh chính xác chu kỳ thời tiết như Dương lịch (chu kỳ thời tiết trên Trái Đất là do Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời). Chẳng hạn, ngày xuân phân Mặt Trời chiếu vuông góc với xích đạo của Trái Đất, trong dương lịch luôn rơi vào ngày 21 tháng 3, có chăng có năm lệch đi chỉ vài giờ. Trong Âm lịch có 24 tiết khí và có tiết xuân phân này nhưng vì sự chênh lệch chu kì nên mỗi năm xuân phân lại rơi vào ngày khác nhau. Không chỉ xuân phân mà cả 23 tiết khí còn lại trong năm tuy là được qui ước bởi người phương Đông nhưng lại không rơi vào cùng ngày hàng năm theo Âm lịch, chỉ đúng chu kỳ theo Dương lịch.

Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học và vũ trụ học Việt Nam

Bài liên quan
Học sinh Hà Nội đoạt 4 huy chương vàng Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2021
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đội tuyển học sinh Hà Nội đại diện học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế năm 2021 đã đạt thành tích xuất sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một năm không phải 365 ngày