'Mùa' bội thu khoe giấy khen

05/06/2023, 01:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời điểm này, nhiều phụ huynh khoe thành tích của con trên mạng xã hội trong một “mùa” bội thu giấy khen. Nhưng hệ luỵ đi kèm là áp lực lên những đứa trẻ.

“Tôi từng hỏi con, vì sao đến chụp ảnh mà con cũng không cho mẹ chụp? Con trai tôi bảo, chính nó cũng không lý giải được, chỉ biết là không thích. Ở cơ quan của chồng tôi năm nào cũng tổ chức tuyên dương, khen thưởng con em cán bộ có thành tích trong học tập nhưng từ lúc con lên cấp 2 thì con không đến nhận, nên phụ huynh toàn phải nhận thay và mang về đưa cho con. Năm nay, con đoạt giải nhì môn Hoá cấp tỉnh nhưng tôi cũng im lặng không dám khoe ngay cả trong họ hàng, để con tập trung tinh thần thi vào Trường THPT Chuyên của tỉnh”, chị cho biết.

Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có thành tích trong học tập, trong rèn luyện… để các bậc phụ huynh được khoe trên trang cá nhân. Chị Hà, ở chung cư Ecohome 3, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, có quan điểm không bắt con chạy đua điểm số, cứ để con được phát triển tự nhiên, bởi “không kỳ vọng thì không thất vọng”.

Nhưng những ngày này khi mạng xã hội tưng bừng giấy khen chị cũng thoáng buồn: “Nhìn các “mom” (mẹ) khoe giấy khen tôi cũng hơi chạnh lòng”, chị Hà thú nhận.

Có những phụ huynh sau phút chạnh lòng khi trông thấy thành tích của những đứa trẻ khác bỗng nhiên sinh ra cáu giận con mình. Chị Hoà (Hà Nội) cho con học ở một trường quốc tế, chấp nhận chi phí cao, để con bớt áp lực như ở trường công, song khi nhìn thấy một người bạn khoe thành tích của con trong một kỳ thi học sinh giỏi, chị bỗng thấy buồn.

“Tôi ngưỡng mộ con của bạn. Nhìn sang con mình lại tủi thân nên cằn nhằn với nó mấy câu. Con nói lại: Mẹ cứ thấy bạn của mẹ khoe thành tích con cái lại gây áp lực lên con. Tôi thấy con nói đúng quá nên đành chọn cách giải toả khác, rủ mấy mẹ cùng hoàn cảnh con cái không thành tích, không có gì để khoe, ra ngoài ăn uống giải sầu”.

Các con không được khen cũng buồn
Một nhà thơ chia sẻ: Cứ nhắc đến chuyện giấy khen anh lại nhớ đến một tấm ảnh chụp học sinh trong một lớp tiểu học. Trong khi những bạn khác hớn hở cầm tấm giấy khen thì chỉ một cậu bé mặt buồn thiu vì trên tay không có gì. Một câu chuyện có thật được cộng đồng mạng chia sẻ, kèm hình ảnh: Một em bé tâm sự rằng, trong lớp có bạn được giấy khen còn con lại không được gì. Ông nội cô bé an ủi: Được rồi tối nay con sẽ có giấy khen. Cơm nước xong xuôi, ông mang ra một tấm bằng khen do chính ông tỉ mẩn vẽ tặng cháu. Cộng đồng mạng đánh giá: Tấm bằng khen của ông nội giá trị hơn những tấm giấy khen ở trường.
'Mùa' bội thu khoe giấy khen - 3

Bằng khen có một không hai

Cuộc chạy đua ngầm của các phụ huynh?

Vì sao các bậc phụ huynh thích khoe thành tích của con trên mạng xã hội? Góc nhìn của một giáo viên dạy văn: “Theo tôi, mạng xã hội đã và đang trở thành “nhà mặt phố” của mọi nhà. Bất kể thứ gì người ta cũng đưa lên mạng xã hội, không chỉ thành tích của con. Hôm nay ăn gì, mặc gì, thậm chí bị con gì đốt vào tay… cho tới tang gia bối rối đều đưa lên mạng.

Ngoài ra, tôi nghĩ, tâm lý con người bao giờ chẳng thích được khoe và được ca tụng. Khoe thành tích của con bao người vào chúc mừng, không chỉ khen con giỏi, họ còn khen cha mẹ khéo nuôi dạy con. Lại còn tâm lý đua chen. Thấy trên mạng người ta khoe con thì mình cũng phải khoe, cho bằng bạn bằng bè. Khoe giấy khen của con có khi đang trở thành cuộc chạy đua của các phụ huynh cũng nên!”.

Trên Facebook, một phụ huynh viết: “Lên Face, em thấy các bác up ảnh giấy khen nhiều quá. Mà em thì đang nghĩ không biết lấy đâu giấy khen để chụp. May quá chiều con đi học về mang đúng cái giấy em cần về. Cũng có tí an ủi cho đỡ chạnh lòng”. Đi kèm mấy lời này là tấm hình chụp giấy khen của con gái.

Một bà mẹ khác hài hước viết trên Facebook nhắc chồng kiếm tiền xây nhà để treo giấy khen của con gái. Vì con họ được rất nhiều giấy khen.

Thần đồng 'đã mệt'

Khoe thành tích của con hay không là lựa chọn của mỗi phụ huynh. Nhưng một vị giáo sư nổi tiếng của một trường đại học cho rằng: Khi bố mẹ tự hào về con, cũng vô tình tạo cho con một áp lực. Mà áp lực ấy có khi gây chết người.

Có một khái niệm chỉ người trẻ trong xã hội hiện nay: Thế hệ “bông tuyết”, trong trắng, tinh khôi nhưng cực kỳ nhạy cảm. Cuối năm 2021, một bé trai ở chung cư quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã nhảy từ tầng 22 xuống đất. Bé trai học lớp 6 bị áp lực với việc học hành, làm bài thi không tốt.

Ở Trung Quốc, một cô bé 14 tuổi từng được mệnh danh “thần đồng” đã tự tử và để lại lá thư tuyệt mệnh, có đoạn: “Con còn nhớ, hồi con học lớp 7, đã có một bạn cùng khối tự sát. Lúc đó đã có người hỏi con có dám tự sát hay không, con chỉ mỉm cười rồi nói điều đó không thể nào. Thế nhưng giờ đây con đã mệt rồi. Vì con là đứa con duy nhất nên bố mẹ đã quá kỳ vọng. Con xin lỗi vì đã làm bố mẹ thất vọng”.

'Mùa' bội thu khoe giấy khen - 4
Cô bé thần đồng ở Trung Quốc ra đi ở tuổi thiếu niên.

Tác giả của những tập thơ thiếu nhi cũng là một giảng viên đang giảng dạy ở Trung Quốc, chị Mai Quyên, cho biết: Ở Trung Quốc nhiều phụ huynh cũng hay khoe con như ở ta. Không chỉ khoe thành tích trong học tập mà họ còn khoe các khả năng khác của con, như khả năng chơi đàn chẳng hạn”.

Theo (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/mua-boi-thu-khoe-giay-khen-post1539898.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/mua-boi-thu-khoe-giay-khen-post1539898.tpo
Bài liên quan
Quận Cầu Giấy khen thưởng 114 doanh nghiệp tiêu biểu
(GDTĐ) - Sáng 6/10, UBND quận Cầu Giấy tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trên địa bản quận năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Mùa' bội thu khoe giấy khen