“Hầu hết các sản phẩm STEM đều được tạo ra từ những vật liệu, vật dụng sẵn có trong tự nhiên, trong sinh hoạt hằng ngày của các em. Nhiệm vụ của thầy cô là hướng dẫn, định hướng giúp các em vận dụng sáng tạo những lý thuyết khoa học cơ bản vào sản xuất, chế tạo các mô hình, sản phẩm thiết thực phục vụ cho học tập và cuộc sống”, đại diện Ban tổ chức trao đổi.
Các em học sinh THCS tại TP Buôn Ma Thuột nghiên cứu, chế tạo các nhạc cụ dân tộc nhằm giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống. |
Còn theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, điểm ấn tượng của Ngày hội là các em đã sử dụng thành thạo song ngữ trong thuyết trình sản phẩm.
Một sản phẩm STEM được trình bày bằng song ngữ. |
“Không chỉ dẫn kịch bản khai mạc bằng song ngữ, hầu hết các tác giả của các sản phẩm STEM đã có thể sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Anh để giới thiệu, thuyết trình về sản phẩm. Điều đó cho thấy tính hiệu quả của giáo dục STEM khi các nhà trường đã thực sự gắn “học đi đôi với hành”. Tôi tin chắc, qua Ngày hội này, các nhà trường, các bậc cha mẹ học sinh sẽ thấy được vai trò tích cực của mô hình giáo dục STEM, từ đó sẽ phối hợp, hỗ trợ ngành GD trong việc nâng cao chất lượng GD toàn diện cho học sinh”, ông Khoa nhấn mạnh.
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn. Trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra, góp phần hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Đắk Lắk là một trong những địa phương được Bộ GD&ĐT cho triển khai thí điểm mô hình GD STEM ở cấp tiểu học. Thực tế, các trường học ở Đắk Lắk cũng đã chứng minh được hiệu quả của nội dung GD tiên tiến này. Đã có nhiều sản phẩm của học sinh Đắk Lắk đạt giải cao tại các cuộc thi khu vực, quốc gia.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ngành GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức Ngày hội STEM trên quy mô toàn tỉnh.