“Giai điệu Biển Đông” theo tôi đáp ứng rất nhuần nhuyễn được hai điều kiện khắt khe. Nó tạo ra cảm giác đầy kịch tính giữa buông bỏ và nhức nhối, giữa thăng hoa và khổ nhục, giữa thiên đàng và địa ngục. Tác phẩm đã nói lên rất đầy đủ câu chuyện của Biển Đông. Lúc thì phẳng lặng như tờ, lúc thì ầm ầm sóng gió. Một tài nguyên vô tận, nhưng cũng là một mối đe dọa bất ngờ”, nhà phê bình Trần Đán cho hay.
Dấu ấn nghệ thuật Việt
Berlin Biennale 2022 cũng chú ý đến diễn đạt hình thể “trồng cây chuối” của nghệ sĩ Ngô Thành Bắc. Nghệ sĩ này hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội và là một trong những thành viên của nhóm Phụ Lục – nhóm nghệ sĩ trình diễn sử dụng các dụng cụ thường nhật để biểu thị hành vi lặp đi lặp lại, thậm chí vô lý.
Bên cạnh đó, Tammy Nguyễn tập hợp 14 bức tranh nói về chặng đường khổ nạn của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, những bức tranh được đặt trong bối cảnh hòn đảo Pulau Galang (Indonesia). Tác phẩm toát lên sự cô độc của Chúa Giêsu trong một môi trường xa lạ, nhiệt đới chứ không phải sa mạc trong Thánh Kinh.
Còn Mai Nguyễn - Long (hiện làm việc từ Úc) lại có sắp đặt tựa đề “Mẫu vật”. Đó là những vật phẩm chứa trong chai lọ, biểu tượng cho ngăn ký ức dùng để chứa những mảnh căn tính của tác giả. Tuy nhiên, các búp bê gợi hình quái thai do chất độc da cam thì chưa gây được cảm giác đau đớn thực sự so với thực tế.
“Chọn một chủ đề gai góc vạch trần tàn dư của chế độ thực dân, quy tụ thành viên từ các nước từng là nạn nhân của thực dân… là dịp để nghệ sĩ Việt Nam thi thố tài – khẳng định tầm vóc. Một tin đáng mừng là trong số 7 tác phẩm được bình chọn hay nhất, gần một nửa là từ các nghệ sĩ Việt Nam. “Đem chuông đi đánh xứ người”, các nghệ sĩ Việt đã thực sự để lại những thanh âm vang vọng về nghệ thuật đương đại”.
- Nhà phê bình Trần Đán
Tuấn Andrew Nguyen có 2 tác phẩm video. “Nỗi ám ảnh tiền nhân tái hiện” được phóng chiếu trên 4 màn hình phác họa cuộc sống của 3 gia đình gốc Senegal - châu Phi. Họ từng là lính Lê dương cho Pháp, kẻ đem vợ con Việt về nước sau cuộc chiến, người chỉ đem con theo, không biết quê hương mình là đâu.
Theo nhà phê bình Trần Đán, bộ phim này ăn khít với chủ đề chung của cuộc triển lãm, qui trình “giải thực dân” mà mỗi dân tộc, cộng đồng, thậm chí mỗi cá nhân phải tìm ra cho mình. Phim vô cùng cảm động, khến nhiều khán giả Đức phải sụt sùi.
Ở video thứ 2, nghệ sĩ nhập vai con tê giác trên đường bị diệt chủng, và cụ rùa Hồ Gươm - để tranh luận, có nên chống lại hay hợp tác với loài người trước sự tàn phá môi trường do họ gây ra. Ẩn ý của tác giả rất rõ, con người là một loại “thực dân mới” đối với môi sinh của chính mình.
Ngoài Berlin Biennale 2022, thời gian vừa qua nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã có những triển lãm thu hút công chúng quốc tế. Hồi tháng 4, trong khuôn khổ “Những ngày Việt Nam tại Vương quốc Anh”, “thần đồng” hội hoạ Xèo Chu trưng bày 40 tác phẩm tại Phòng tranh D Contemporary (London, Anh). Trong thời gian này, Vũ Bình Minh cũng đem 12 tác phẩm điêu khắc tới Đài Loan tham gia Art Solo 2022.