Vào tháng 9/2015, tổng số học sinh cả nước bắt đầu năm học là trên 19 triệu em, và số giáo viên khi đó là 1,156 triệu người. Tháng 9/2022, có 23 triệu học sinh khi bắt đầu năm học, còn lượng giáo viên là 1,227 triệu người. Có thể thấy, từ năm 2015 đến năm 2022, số giáo viên chỉ nhiều hơn 100.000, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu. Bộ trưởng cho rằng, đây là tình trạng thiếu giáo viên do tăng số học sinh do tăng dân số tự nhiên.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên còn do biến động dồn dịch về dân số ở một số vùng, miền về các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp; do dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục và thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non bậc 5 tuổi thiếu.
Bên cạnh đó, thiếu giáo viên còn do việc tăng số buổi học từ 1 buổi lên 2 buổi/ngày; do chuẩn về mặt tỉ lệ giáo viên/học sinh - tỉ lệ số học sinh trên lớp cần đảm bảo chuẩn 35 giáo viên cho bậc tiểu học và 45 học sinh trên lớp của bậc trung học (chuẩn này đã được xác định từ năm 2010 và đến năm 2019).
Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân, như một thời gian dài không tuyển và không tuyển được; nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển; thiếu nguồn tuyển, hoặc có nguồn đã được đào tạo, nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác…
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, vừa qua Bộ Chính trịvà Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu. Các sở nội vụ của các tỉnh phối hợp với sở GD&ĐT, cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.
Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành phố tuy thiếu giáo viên nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu.