Tại Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G’Long (Đắk Nông) dù có sẵn giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, tuy nhiên số lượng học sinh lựa chọn hai môn học quá ít dẫn đến không triển khai được.
Cô Lê Thị Anh – Phó Hiệu trưởng - cho hay: “Năm học 2022 - 2023, trường chỉ có một học sinh lựa chọn học Âm nhạc và Mỹ thuật. Sau ba tuần học, học sinh này đã xin chuyển lớp. Không những vậy, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy của nhà trường không đáp ứng đủ.
Như môn Mỹ thuật, phòng học bố trí ánh sáng khác với phòng học thường; Âm nhạc thiết bị dạy học thiếu nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu chương trình đề ra. Bên cạnh đó, giáo viên Âm nhạc chỉ là chuyên sâu một bộ môn không trùng với mong muốn của học sinh cũng gây khó khăn trong quá trình giảng dạy”.
Tại Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên (Sơn La), thầy Bạc Văn Ân – Phó Hiệu trưởng - cho biết: “Với hai môn học mới, học sinh ở trường không lựa chọn dù đội ngũ giáo viên nhà trường đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu. Đơn cử, ở môn Âm nhạc, trường có 1 chiếc đàn, 1 đài; trong khi đó, giảng dạy ở bậc THPT đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu. Nhiều em còn chọn môn học này để tham gia vào kỳ thi xét tuyển các trường đại học, cao đẳng. Do đó, tôi đề xuất ngành Giáo dục bổ sung dụng cụ tối thiểu cho hai môn học”.
Tại Trường THPT Hương Khê (Hà Tĩnh), thầy Hồ Đức Cương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện nay, với hai môn học mới, nhà trường mới triển khai môn Âm nhạc. Môn Mỹ thuật chưa triển khai bởi không có giáo viên, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ yêu cầu.
Do đó, những học sinh có mong muốn học môn này, chúng tôi mới chỉ tổ chức các buổi học ngoài giờ, chương trình ngoại khóa để khuyến khích các em phát triển năng khiếu. Nhà trường cũng khơi gợi học sinh tìm hiểu các trung tâm giảng dạy môn này để tham gia các khóa học vào dịp hè, cuối tuần”.
“Hàng năm, số học sinh ở Trường THPT Hương Khê có xu hướng lựa chọn ngành liên quan đến kiến trúc hay dùng các tổ hợp có môn năng khiếu (vẽ) để xét tuyển khá nhiều. Do đó, khi học trò được đào tạo bài bản sẽ bồi đắp năng khiếu, tạo nền móng phục vụ cho việc thi cử sau này. Tuy nhiên, việc chưa có giáo viên giảng dạy để triển khai môn Mỹ thuật khiến nhà trường trăn trở và tiếp tục tìm hướng tháo gỡ”, thầy Cương bày tỏ.
“Năm 2023 là năm thứ 2 tôi tham gia chọn sách và giảng dạy cấp THPT. Căn cứ vào thực tế năm ngoái, sách năm nay có nhiều thay đổi, nội dung mới, do đó quá trình lựa chọn tôi ưu tiên đặt chọn cuốn nào có tính kết nối, kế thừa kiến thức của năm lớp 10. Qua đó, giúp học trò vận dụng kiến thức linh hoạt trong quá trình học lớp 11”, cô Hồ Như Thủy, giáo viên Mỹ thuật Trường THCS & THPT Đông Thành (Vĩnh Long) chia sẻ.