Những ngành xét tuyển bổ sung không phải là những ngành có điểm chuẩn cao của các trường. Các trường tốp trên thường không có nhu cầu xét tuyển bổ sung. Vì vậy, dù các trường ĐH được phép tuyển sinh quanh năm, nhưng quan trọng nhất vẫn là đợt 1 xét kết quả thi tốt nghiệp và các phương thức xét tuyển riêng trước đó ở các trường tốp trên, các ngành học “nóng”.
Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới thi tuyển sinh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ sẽ khuyến khích để các trường ĐH hợp tác, liên kết để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc hình thành các trung tâm khảo thí. Theo ông Sơn, việc một số trường liên kết, hợp tác để tổ chức kỳ thi riêng là để khắc phục những điểm mà dư luận cho rằng nếu chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chưa đánh giá được thí sinh theo yêu cầu của một số trường, như trường tốp trên, trường đòi hỏi thí sinh có năng lực riêng biệt.
“Đối với những trường này, tốt nhất phải có phương án tổ chức thi ngay tại các địa phương để thí sinh không phải đi xa”, ông nói và cho biết đấy là phương án mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng từ nay đến 2025 sẽ được thực hiện từng bước, không gây xáo trộn việc dạy học ở trường phổ thông.Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ tiến tới việc kỳ thi có thể diễn ra nhiều lần trong năm để các địa phương chủ động hơn trong việc tổ chức thi và linh hoạt với điều kiện từng nơi, như trong trường hợp có dịch bệnh. Trong tương lai vẫn còn tỷ lệ không nhỏ các trường căn cứ vào kỳ thi này để xét tuyển dù kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức không phải là xét tuyển ĐH.