Những yếu tố gây suy giảm nhận thức

17/02/2023, 16:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trình độ học vấn của cá nhân và cha mẹ, thu nhập, nghề nghiệp, chủng tộc... cũng có thể dẫn đến tình trạng suy giảm nhận thức hoặc bệnh Alzheimer.

Gần 1/3 người Mỹ trên 65 tuổi bị suy giảm nhận thức. Ảnh: Freepik.

Nếu bạn vẫn có thể hát theo mọi bài hát của các nhóm nhạc đầu những năm 2000 và thuộc lòng số điện thoại của những người bạn thời thơ ấu, có thể bạn nghĩ rằng bản thân sẽ không bao giờ phải lo lắng về những vấn đề, thách thức liên quan trí nhớ.

Mặc dù một số ít người ở Mỹ được chính thức chẩn đoán mắc bệnh mất trí nhớ hoặc Alzheimer, những căn bệnh này có thể phổ biến nhiều hơn so với bạn tưởng, theo EatingWell Magazine.

Cụ thể, theo một nghiên cứu được công bố trên JAMA Neurology vào tháng 10/2022, cứ 10 người cao tuổi ở Mỹ lại có một người mắc chứng mất trí nhớ. 22% trong số những người từ 65 tuổi trở lên bị suy giảm nhận thức nhẹ - một trong những tín hiệu ban đầu cho thấy những vấn đề nghiêm trọng hơn sắp xảy ra.

Những yếu tố gây suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức xảy ra một cách tự nhiên khi chúng ta già đi. Khả năng ghi nhớ các chi tiết, khả năng hiểu, học hỏi và suy nghĩ sẽ giảm nhẹ theo thời gian. Nhưng nếu những khả năng này giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bạn nên tìm đến bác sĩ để được kiểm tra não bộ.

Tiền sử gia đình là một yếu tố quan trọng có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các tình trạng khác liên quan nhận thức. Các nhà khoa học phát hiện nhiều thói quen cũng có thể gây tác động rõ rệt đến trí nhớ của con người.

Trước đây, khoa học chứng minh ăn nhiều trái cây, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ngủ đủ giấc, không hút thuốc, hoạt động thể chất thường xuyên... là những thói quen giúp làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức. Tuy nhiên, những hiểu biết về các yếu tố gây ra suy giảm nhận thức vẫn còn một "lỗ hổng".

chung suy giam nhan thuc anh 1
"Lỗ hổng" trong nghiên cứu khiến nhiều người chưa nắm rõ những yếu tố gây ra suy giảm nhận thức. Ảnh: Pixabay.

Vì thế, các nhà nghiên cứu tại Đại học Ohio State và Đại học Michigan (Mỹ) quyết định tập trung nguồn lực để làm rõ những nhầm lẫn về nhận thức con người, từ đó đưa ra phương án ngăn chặn các trường hợp suy giảm nhận thức trong tương lai.

Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS ONE ngày 8/2, một số yếu tố sau ít được nhắc đến nhưng lại chiếm khoảng 38% tác động đến sự thay đổi chức năng nhận thức ở tuổi 54. Cụ thể là trình độ học vấn cá nhân, trình độ học vấn của cha mẹ, thu nhập và sự giàu có của gia đình, chủng tộc, nghề nghiệp và tình trạng trầm cảm.

GS. TS Hui Zheng tại khoa Xã hội học (Đại học Ohio State), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ông và các cộng sự đã sử dụng số liệu từ hơn 7.000 người trưởng thành sinh trong giai đoạn 1931-1941 ở Mỹ. Những nghiên cứu liên quan bao gồm việc lấy sinh trắc học sức khỏe của những người tham gia trong giai đoạn 1996-2016, đồng thời lấy thêm thông tin chi tiết về lối sống (tập thể dục, tình trạng hút thuốc, chẩn đoán y tế và các yếu tố kinh tế - xã hội).

Nhóm nghiên cứu của TS Zheng đã sử dụng phương pháp thống kê để ước tính vai trò (nếu có) và tỷ lệ phần trăm của mỗi yếu tố có thể ảnh hướng đến rối loạn thần kinh, ví dụ như suy giảm nhận thức.

Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện điều kiện sống khi còn nhỏ, bệnh tật và hành vi của người lớn cũng có một phần tác động khá nhỏ (khoảng 5,6%). Tuy nhiên, khi kết hợp các yếu tố này với các yếu tố liên quan tình trạng kinh tế - xã hội (trình độ học vấn của họ và cha mẹ, thu nhập, nghề nghiệp, chủng tộc, sức khỏe tâm thần), khả năng tác động lại khá lớn, lên đến 38%.

Từ nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu cho rằng lựa chọn và hành động của một cá nhân có vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì chức năng nhận thức. Nghiên cứu này gợi ý đã đến lúc chúng ta phải tập trung chú ý đến các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe.

Những thách thức mới cho cộng đồng

Trình độ học vấn, thu nhập, chủng tộc và tình trạng trầm cảm, song song với thói quen, lối sống, đóng vai trò đáng ngạc nhiên trong việc phát triển các nguy cơ gây bệnh mất trí nhớ hoặc Alzheimer. Tuy nhiên, bạn không thể "cô lập" một thói quen hoặc một yếu tố và coi đó là nguyên nhân của sự suy giảm nhận thức vì sức khỏe não bộ bị ảnh hưởng đáng kể bởi sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời.

Điều này bao gồm việc một người cảm thấy có an toàn hay không khi ở nhà, liệu họ có đang gặp phải thách thức về sức khỏe tâm thần như trầm cảm hay không, mức độ tự do tài chính của họ ở mức nào, liệu họ có học tập để xây dựng "ngân hàng trí óc" hay không.

Tất cả những điều này chỉ ra tầm quan trọng của việc đánh giá sức khỏe não bộ thông qua lăng kính cá nhân và hệ thống. Một cộng đồng phải được thiết kế theo cách hỗ trợ tiếp cận kinh tế, giáo dục, tiếp cận các nguồn lực sức khỏe tâm thần và nhiều loại thực phẩm. Cộng đồng cũng phải có những nơi an toàn cho hoạt động thể chất và có cơ hội kết nối xã hội.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận đây là một thách thức khá lớn, nói luôn dễ hơn làm. Nhưng trước bối cảnh gần 1/3 người Mỹ trên 65 tuổi bị suy giảm nhận thức, chúng ta nên khám phá và tìm mọi cách để cải thiện tình trạng này.

Bài liên quan
Những thói quen khiến bạn bị teo não mất trí nhớ
Không chỉ tuổi tác, một số thói quen hàng ngày của chúng ta có thể gây ảnh hưởng không tốt cho não bộ, về lâu dài có thể gây teo não, suy giảm trí nhớ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những yếu tố gây suy giảm nhận thức