Nóng trong tuần: Giám sát triển khai chương trình mới

Hải Bình | 13/02/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hoạt động giám sát của Quốc hội về triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông là thông tin giáo dục đáng chú ý nhất tuần qua.

Tiếp tục giám sát triển khai chương trình mới

Tuần qua, đoàn ĐBQH các tỉnh/thành tiếp tục công tác giám sát việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông tại địa phương.

Đáng chú ý là hoạt động của đoàn ĐBQH TP Hà Nội, trong đó một thành viên đoàn giám sát là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Trong tuần, đoàn giám sát đã triển khai công việc tại Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa), làm việc với UBND quận Đống Đa, làm việc với UBND TP. Hà Nội.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã trực tiếp đặt câu hỏi tới cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới; đồng thời, xuống tận lớp học, lắng nghe học sinh chia sẻ; khảo sát tại các phòng chức năng của nhà trường.

Nóng trong tuần: Giám sát triển khai chương trình mới  ảnh 1
Đoàn giám sát thăm lớp học, trò chuyện với học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chương trình GDPT 2018 đã có một quá trình lấy ý kiến từ nhiều phía, khảo sát xã hội rất lớn. Đây là một bản đại thiết kế, một kịch bản rất hệ trọng cho giáo dục. Khi tiến hành vẫn phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện. Làm sao để vừa tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển hết cỡ, chú ý được số đông và hỗ được cho nhóm khó khăn.

Về báo cáo thực hiện triển khai đổi mới chương trình, SGK, Bộ trưởng yêu cầu cần nêu thêm nội dung về nhận thức, tư tưởng, tinh thần, sự vào cuộc của các bên liên quan. Xem các cấp của ngành Giáo dục, chính quyền địa phương đã nhận thức được đầy đủ về Chương trình GDPT 2018 và những việc cần làm chưa? Từ cấp quận, phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường, giáo viên cần làm gì, đã đúng vai chưa? Đặc biệt là sự thấu hiểu về chương trình của đội ngũ giáo viên, lãnh đạo nhà trường.

Vấn đề thứ hai Bộ trưởng yêu cầu làm rõ hơn trong báo cáo là nhóm vấn đề chuyên môn. Theo đó, nêu kỹ và phân tích thêm: Dù chúng ta đang trên đường đi, chưa thể đánh giá được kết quả, đặc biệt với đặc thù của giáo dục, tuy nhiên vẫn có thể đánh giá từng chặng, từng bộ phận.

Đặc biệt phải đánh giá được “phần lõi” là lực lượng nhà giáo, xem đội ngũ vào cuộc được đến đâu, họ có thấy mới không, mới được đến đâu, đã thực hiện được phần nào, có được hỗ trợ không, khí thế của nhà giáo ra sao, triển khai thế nào? Nêu được mức độ đổi mới của nhà giáo, mức độ về kỹ năng, về phương pháp; cùng với đó là việc quản trị nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường... những điều này có làm tốt không, có gì còn vướng mắc…?

Nóng trong tuần: Giám sát triển khai chương trình mới  ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc của đoàn giám sát với UBND quận Đống Đa.

Ngoài xây dựng báo cáo, tại cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã có những lưu ý cụ thể xung quanh một số băn khoăn, vướng mắc trong việc chuyển trường của học sinh vì lý do nhiều bộ sách giáo khoa, khác nhau về tổ hợp môn học, khác nhau về chương trình giáo dục địa phương...

Theo đó, tinh thần chung là: Chương trình dành khoảng rất rộng mở, linh hoạt cho lãnh đạo địa phương, sở GD&ĐT, lãnh đạo các nhà trường, tổ chuyên môn, đặc biệt là chủ động của các nhà giáo và cuối cùng là chủ động của người học. Với việc được chủ động và linh hoạt như vậy, đừng đem tư duy rất “cứng” để xử lý các việc.

“Chương trình phổ thông thiết kế, học sinh khi kết thúc một cấp học nào đó phải đạt một chuẩn chung nhất định. Như vậy, phải lấy chuẩn cơ bản, thang năng lực cơ bản để làm chuẩn. Đừng vì lý do học sinh trường này học chậm hơn trường kia một vài bài; cũng không nên do trường này chọn một bộ sách, trường kia chọn bộ sách khác; hay các cháu có lệch môn trong tổ hợp… mà không cho học sinh chuyển trường. Làm vậy là đi ngược lại với tinh thần của chương trình mới”, Bộ trưởng nêu rõ.

Cũng trong tuần, Bộ GD&ĐT đã có những hoạt động để chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động giám sát về chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Quốc hội. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã buổi làm việc với đoàn ĐBQH TP. Hà Nội để cung cấp thông tin về chương trình mới và việc triển khai chương trình. Bộ đồng thời cũng họp trực tuyến với các sở GD&ĐT về giám sát thực hiện CT GDPT 2018.

Nóng trong tuần: Giám sát triển khai chương trình mới  ảnh 3
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh 2023

Các trường đại học tiếp tục công bố phương án tuyển sinh năm 2023 là một trong những thông tin giáo dục được quan tâm trong tuần qua. Trong đó, một số trường đã thông báo tiếp nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ và kỳ thi riêng.

Một trong những thông tin tuyển sinh đáng chú ý là của Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo đó, học bạ sẽ không còn là điều kiện dự tuyển của cơ sở giáo dục đại học này.

Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến là gần 8.000 sinh viên cho 63 chương trình đào tạo. Hội đồng tuyển sinh dự kiến 3 phương thức tuyển sinh đại học chính quy:

Thứ nhất, xét tuyển tài năng, gồm các phương thức sau: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IB. Xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Thứ hai, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Đối tượng xét tuyển là thí sinh tham dự Kỳ thi Đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Điều kiện dự tuyển là: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển do ĐH Bách khoa Hà Nội quy định. Tổ hợp xét tuyển dự kiến: K00 (tư duy toán học, tư duy đọc hiểu, tư duy khoa học/giải quyết vấn đề). Xét tuyển vào tất cả các ngành/chương trình trừ các chương trình Ngôn ngữ Anh.

Thứ ba, xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Đối tượng xét tuyển là thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT tổ chức.

Từ ngày 15/2 – 31/5,Trường Đại học Việt Đức nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ THPT.

Trường xét dựa vào học bạ lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, tổng điểm trung bình được xác định từ điểm trung bình của 5 môn học: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn. Thí sinh có thể lựa chọn 2 môn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử và Địa lý.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh đại học đợt 1 từ ngày 13/2 đến 26/2 theo hai phương thức: Xét kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức và xét tuyển thẳng theo đề án của trường.

Theo ghi nhận, năm 2023, nhiều trường đại học trên cả nước vẫn dành số chỉ tiêu lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp có sử dụng kết quả học tập THPT.

Nóng trong tuần: Giám sát triển khai chương trình mới  ảnh 4
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp về quá trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Rà soát xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đại học

Ngày 9/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp về quá trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, với sự tham dự của đại diện các Hội đồng tư vấn khối ngành và cơ sở đào tạo.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, trong năm 2021 và 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành 10 Quyết định thành lập các Hội đồng tư vấn khối ngành để xây dựng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và 10 Quyết định giao nhiệm vụ cho 9 cơ sở đào tạo chủ trì tổ chức xây dựng chuẩn chương trình đào tạo. Bộ Công an đã có Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn khối ngành An ninh và trật tự xã hội năm 2022.

Căn cứ các quyết định trên, các cơ sở và hội đồng đã phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức xây dựng chuẩn chương trình đào tạo theo nhiệm vụ được giao. Hội đồng đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học liên quan cũng như ý kiến của các đơn vị sử dụng lao động về từng nội dung cụ thể trong chuẩn chương trình đào tạo như chuẩn đầu ra, khối lượng và cấu trúc chương trình đào tạo… hoặc toàn bộ dự thảo chuẩn chương trình đào tạo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý các hội đồng về 4 căn cứ xây dựng chuẩn chương trình đào tạo là pháp luật; thực tiễn Việt Nam; kinh nghiệm, thông lệ quốc tế; xu thế phát triển của khoa học công nghệ và GD-ĐT thay đổi rất nhanh.

Theo đó, chuẩn chương trình đào tạo phải vừa đảm bảo tính phổ quát, liên thông, vừa đảm bảo tính khả thi, tính cụ thể, khác biệt của từng ngành, vừa được trình bày ngắn gọn. Thứ trưởng đề nghị các hội đồng làm rõ những thành phần trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, tài liệu hướng dẫn sử dụng chuẩn chương trình đào tạo cần phát huy được tính hữu ích, giúp các cơ sở đào tạo trong việc thiết kế, triển khai, rà soát và đánh giá, đối sánh việc thực hiện chương trình đào tạo so với chuẩn chương trình đào tạo.

Từ ngày 8-10/2, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 52 tại Manila, Philippines. Hội nghị do Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Philippines Sara Duterte chủ trì. Chương trình Hội nghị gồm phiên họp kín, phiên họp toàn thể và đối thoại chiến lược giáo dục lần thứ 6.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước Đông Nam Á đã thông qua 51 tài liệu, báo cáo về hoạt động của các Trung tâm khu vực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) trong năm vừa qua; đóng góp của các nước đối với hoạt động của Ban Thư ký SEAMEO; các hội nghị, hội thảo đã tổ chức và kế hoạch tổ chức các hoạt động trong thời gian tới, việc kết nạp thêm thành viên cho tổ chức SEAMEO…

Bài liên quan
Khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy học Chương trình mới
Để bảo đảm việc dạy và học theo chương trình GDPT mới các nhà trường và giáo viên đã cùng nhau nỗ lực khắc phục khó khăn bằng nhiều cách.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng trong tuần: Giám sát triển khai chương trình mới