Phiên chợ lùi ở Lũng Phìn (Hà Giang) - một phiên chợ đặc sắc của đồng bào dân tộc - thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách quốc tế. |
Giữa tháng 4 vừa qua, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định trong Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”: Việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa cộng đồng các dân tộc là việc cần phải làm theo hướng bền vững, thực hiện từng bước, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm.
Ngành văn hóa phải đề cao vai trò của nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng và huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đóng góp vào sự phát triển nguồn lực văn hóa các dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước.
Tại diễn đàn, các tham luận đều cho rằng, giá trị di sản văn hóa các tộc người thiểu số là chất liệu, cảm hứng dồi dào, phong phú để khai thác phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tiềm năng này, các chủ thể sáng tạo và nhà sản xuất cần phải chú ý để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới hệ thống các di sản văn hóa.
Nhà văn Hoàng Tương Lai (Yên Bái) và chiếc mũ của thầy cúng dân tộc Tày. |
“Các chủ thể văn hóa phải nhận thức rõ về giá trị văn hóa của mình, có ý thức đưa văn hóa của mình vào các quá trình sản xuất để tạo nên các sản phẩm văn hóa. Họ phải liên tục sáng tạo và tạo nên các thực hành văn hóa, đưa đến sự vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn cho các dòng chảy kinh tế cũng như quan hệ xã hội của cá nhân và cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết.
Có rất nhiều khía cạnh để khai thác văn hóa vùng dân tộc thiểu số phục vụ công nghiệp văn hóa. Có thể từ sáng tạo trang phục, họa tiết, đạo cụ, hoặc rộng hơn là du lịch cộng đồng - thu hút khách tham quan đến các làng bản, các danh thắng, các lễ hội. Việc lập homestay tại các địa danh nổi tiếng như Mù Cang Chải, Y Tý, cao nguyên đá… phục vụ du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa chính là ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa phải song hành cùng việc bảo tồn, gìn giữ sự đặc sắc văn hóa. Sự việc “nhốt” 2 cây cổ thụ khu vực công viên thôn Choản Thèn xảy ra tại xã Y Tý (Bát Xát - Lào Cai) đã chứng tỏ sự thiếu tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Điều đó không chỉ mất đi giá trị cảnh quan hoang sơ vốn có, mà vô tình mất luôn cả lòng tin của người bản địa trong việc tiếp đón du khách.
Bởi vậy, dù nguồn vốn sẵn có nhưng để phát triển công nghiệp văn hóa lại không đơn giản. Du lịch văn hóa bản địa chỉ thành công khi những người làm văn hóa biết tôn trọng văn hóa, biết trân trọng truyền thống, biết coi trọng thiên nhiên. Đồng thời, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư chỉ coi nên lợi nhuận là thứ yếu - vì chính yếu là việc bảo vệ sự toàn vẹn, đậm đà của văn hóa truyền thống.
“Toàn bộ những gì tạo nên sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc ở Việt Nam sẽ bao trùm và tạo ra nguồn lực văn hóa. Nhưng để phát huy được nguồn lực thì phải có giải pháp tổng thể. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia vẫn còn những định kiến về văn hóa… Điều đó cho thấy, các giải pháp phải hướng tới mục tiêu phá vỡ định kiến và nâng cao nhận thức, tôn trọng sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; kết nối được sự đa dạng của đồng bào các dân tộc với nhau”
- PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.