Đề nghị đưa SGK vào danh mục Nhà nước định giá
Liên quan đến vấn đề giá SGK, bà Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề cập, theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá SGK do doanh nghiệp tự xây dựng và quyết định giá bán. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp với phương án giá bán của SGK và thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường. Như vậy, giá SGK là do Bộ Tài chính chứ không phải từ Bộ GD&ĐT quy định. Nhưng thời gian qua, trong dư luận, Bộ GD&ĐT phải hứng chịu nhiều than phiền.
Tại phiên làm việc ngày 8/6 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Bà Châu Quỳnh Dao - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đề nghị, Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân những khó khăn trong việc tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật Giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá. Bà Dao đặt câu hỏi với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đến khi nào giá SGK mới bảo đảm được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và phụ huynh?
Khẳng định, tiền của người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học đều rất quý, ông Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị: Quốc hội sớm đưa SGK là loại hàng hóa đặc biệt, được thẩm định giá và cần có sự trợ giá SGK cho học sinh ở các vùng khó khăn, càng sớm càng tốt.
Trao đổi về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: SGK thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là của nhà xuất bản. Tinh thần là minh bạch, công khai. Phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào có chất lượng, giá SGK tốt nhất để mua. Nhà nước chỉ có thẩm định giá với SGK hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách Nhà nước.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc đưa SGK vào danh mục Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu với Chính phủ. Chính phủ sẽ tham mưu với Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa vào Luật Giá hay không. Khi SGK được bổ sung vào danh mục trong Luật Giá thì chúng ta mới có cơ sở để triển khai. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể vận động tiết giảm chi phí để giá SGK hạ xuống, học sinh được thụ hưởng. “Nếu Quốc hội thống nhất đưa vấn đề này vào Nghị quyết của Kỳ họp này, Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách SGK vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt, Chỉ thị yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành; kịp thời in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết trình Chính phủ, Quốc hội để có được giải pháp ổn định, lâu dài về giá SGK.