Đơn vị này cũng phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) rà soát các website, ứng dụng thương mại điện tử và gỡ bỏ trên 200 gian hàng và trên 500 sản phẩm vi phạm…
Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, trong hai năm 2020-2021 đã xử phạt vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng. Cũng trong thời gian trên, Cục An toàn thực phẩm đã đăng 246 bài cảnh báo về việc sử dụng thực phẩm chức năng; chuyển tới Bộ Thông tin - Truyền thông 375 đường dẫn, trong đó có 67 đường dẫn quảng cáo vi phạm để xác định chủ thể…
Tuy nhiên, việc kiểm soát các vi phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không dễ dàng do khó xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm bởi các máy chủ đặt tại nước ngoài. Cơ quan chức năng vì thế cũng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm. Cùng với đó là tình trạng một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, đặc biệt là với các loại thực phẩm chức năng.
Trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin với các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm chức năng.
“Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh.