Các công ty cần xem lại các yêu cầu về bằng cấp khi tuyển dụng. Ảnh: Pexels. |
Làn sóng đại từ chức (Great Resignation) cho thấy đại dịch đã làm thay đổi ưu tiên của nhiều người lao động. Một khảo sát với hơn 1.000 người lao động ở Mỹ cho thấy họ đã chuyển việc ít nhất hai lần kể từ khi đại dịch bùng phát. 92% cho biết đại dịch khiến họ cảm thấy cuộc sống quá ngắn ngủi để làm công việc họ không yêu thích.
Bỏ việc hàng loạt trở thành một xu hướng mạnh trong năm 2022. Ước tính, khoảng 4,1-4,5 triệu người đã bỏ việc. Bất chấp sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng, tỷ lệ nghỉ việc vẫn cao hơn 16% so với mức trước đại dịch.
Để đối phó với tình trạng nghỉ việc hàng loạt và nguy cơ mất đi những nhân viên giỏi nhất, người sử dụng lao động nên lưu ý một số điều.
Năm 2022, Indeed nhận thấy các nhà tuyển dụng điều chỉnh chiến lược tuyển dụng để phù hợp hơn với bức tranh việc làm sau đại dịch. Trong số 502 nhà tuyển dụng ở Mỹ, 59% người sẽ xem xét loại bỏ yêu cầu về bằng đại học. Gần 30% nhà tuyển dụng cho biết việc loại bỏ yêu cầu về trình độ đại học cho phép họ tiếp cận những nhân tài đa dạng hơn.
76% nhà tuyển dụng thừa nhận đang xem xét ứng viên đến từ nhiều vị trí, ngành nghề khác nhau. Đôi khi, bằng cấp của ứng viên không phù hợp với ngành nhưng nhà tuyển dụng vẫn cân nhắc lựa chọn.
Từ những số liệu trên, Indeed đề xuất nhà tuyển dụng xem lại yêu cầu về trình độ học vấn và đánh giá liệu tấm bằng có phải yếu tố cần thiết để người lao động thành công khi làm việc hay không.
Việc chuyển yêu cầu bằng cấp từ "phải có" sang "ưu tiên nếu có" sẽ giúp bạn thu hút được nhiều ứng viên hơn, đặc biệt trong thị trường lao động eo hẹp như hiện nay. Ngoài ra, việc xem xét tuyển dụng ứng viên trái ngành cũng có thể mở ra cơ hội tìm được những nhân lực phù hợp.
Nhân viên không muốn bị ràng buộc về nơi làm việc, đồng thời muốn được kết nối với đồng nghiệp. Ảnh: Adobe Stock. |
Làm việc từ xa và làm việc linh hoạt từng là những quyền lợi hấp dẫn của người lao động nhưng giờ lại trở thành điều không thể thương lượng khi tìm việc. Dữ liệu của Indeed Hiring Lab cho thấy trong tháng 8/2022, lượt tìm kiếm công việc từ xa chiếm 9,7%, gần gấp 5 lần so với con số thống kê được vào tháng 2/2020.
Indeed đã làm một khảo sát với hơn 1.0001 người lao động 18-24 tuổi để tìm hiểu thói quen và sở thích làm việc của họ trong năm 2022. Kết quả, 94% người lao động gen Z và 84% người lao động gen Y nói họ sẽ không nhận công việc làm trực tiếp toàn thời gian.
88% gen Z và 69% gen Y sẽ bỏ công việc hiện tại nếu bị yêu cầu làm trực tiếp toàn thời gian. 87% gen Z và 89% gen Y nhận thấy làm việc tại nhà mang lại nhiều lợi ích hơn làm việc toàn thời gian ở văn phòng. Ngoài ra, 94% gen Z và 66% gen Y cho biết họ cảm thấy họ cảm thấy thiếu kết nối với đồng nghiệp do làm việc toàn thời gian ở nhà.
Từ khảo sát trên, Indeed gợi ý các công ty nên cân nhắc cung cấp chế độ làm việc từ xa hoặc chế độ làm việc linh hoạt cho nhân viên (nếu có thể). Đại đa số người lao động không muốn nhận công việc làm việc trực tiếp toàn thời gian, nhưng họ vẫn khao khát được kết nối ở nơi làm việc. Vì vậy, điều quan trọng là các công ty cũng cần tạo cơ hội để nhân viên tương tác, hỗ trợ lẫn nhau và xây dựng các mối quan hệ ở nơi làm việc.
Trong một khảo sát của Indeed với hơn 1.000 người lao động từng chuyển việc ít nhất 2 lần ở Mỹ, tính linh hoạt về môi trường làm việc là yếu tố thúc đẩy họ chuyển việc. Nhưng mức lương cũng là một nguyên nhân khiến họ từ bỏ công việc hiện tại để tìm công việc mới lương cao hơn. Khoảng 49% cho biết mức lương cao là động lực lớn nhất thúc đẩy họ làm việc.
Trong một khảo sát khác của Indeed với 1.001 người lao động gen Y và gen Z, 47% người lao động gen Z và 66% người lao động gen Y cho biết mức lương tác động đến quyết định nhảy việc.
Qua đó, những người sử dụng lao động cần cân nhắc đưa ra mức lương cạnh tranh hơn hoặc đánh giá lại mức lương bạn đang trả cho nhân viên, xem thử con số này đã phù hợp với mong muốn và nhu cầu của nhân viên hay chưa.
Trả lương cho nhân viên cao hơn giúp hạn chế tình trạng bỏ một số tiền lớn để thuê và đào tạo nhân viên mới, đồng thời giúp các công ty giữ chân những nhân viên xuất sắc.
Môi trường làm việc linh hoạt và tiền lương không phải là những yếu tố duy nhất tác động đến quyết định đi - ở của nhân viên. Indeed đã làm một khảo sát với hơn 5.000 người lao động ở Mỹ và thống kê được những lý do hàng đầu khiến họ nhảy việc là: Tiền lương (39%), căng thẳng (26%), cảm giác không hài lòng (24%), cảm giác không hạnh phúc (20%).
Trong số 5.000 người làm khảo sát, 86% tin rằng công việc có thể mang lại nhiều thứ hơn, không chỉ là tiền lương. 86% tin rằng công việc ảnh hưởng đến sự hạnh phúc của họ và 82% nói rằng điều quan trọng là họ muốn tìm những công ty quan tâm đến cảm nhận của nhân viên.
Indeed cũng so sánh số liệu khảo sát lần này và các năm trước, kết quả, số người kỳ vọng về sự hạnh phúc ở nơi làm việc đã tăng. Điều này cho thấy người lao động không còn chấp nhận những công việc không khiến họ hạnh phúc, hài lòng.
Để ngăn chặn làn sóng từ chức ở nơi làm việc, người sử dụng lao động cần cân nhắc ưu tiên an sinh và sự hạnh phúc của nhân viên. Công ty có thể bắt đầu từ những khảo sát, đo lường tình trạng của nhân viên, từ đó rút ra những vấn đề cần thay đổi, cải thiện, ví dụ như nới lỏng quy định, hỗ trợ sức khỏe tâm thần...