Hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học đóng vai trò quan trọng đối với sinh viên. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030; Bộ GD&ĐT cũng ban hành Đề án 1665 Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp... Điều đó cho thấy quá trình khởi nghiệp gắn liền lý thuyết trong môi trường giáo dục và hơi thở thực tiễn, xã hội.
Để phát huy tinh thần khởi nghiệp, các trường đại học cần chú trọng truyền cảm hứng cho sinh viên về tư tưởng khởi nghiệp, hướng dẫn cách thành lập doanh nghiệp của riêng mình. Dĩ nhiên, tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp thành công không cao, thậm chí nhiều bạn thất bại, song điều đó trở thành nền tảng cho tương lai.
Thời gian qua, Trường ĐH Thủy lợi tăng cường xây dựng cho sinh viên môi trường hình thành ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ đưa ý tưởng ra thực tế. Nhà trường đã đăng cai chung kết cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động. Công tác khởi nghiệp trong trường đang ghi nhận nhiều bước tiến mới.
Sinh viên ngày nay có nhiều thuận lợi trong quá trình phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Các em nhận được sự giúp đỡ, đồng hành từ nhiều phía như Chính phủ, Bộ GD&ĐT, nhà trường... Đơn cử, Trường ĐH Thủy lợi đã và đang tạo điều kiện từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên giúp sinh viên chuyển ý tưởng trên giấy sang thực tế; Đồng thời sẵn sàng huy động kinh phí, kêu gọi doanh nghiệp đồng hành với ý tưởng của sinh viên; Đẩy mạnh hợp tác cùng các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để sinh viên trao đổi và cọ xát trong môi trường chất lượng.
Bên cạnh thuận lợi, sinh viên khởi nghiệp còn tồn tại nhiều điểm yếu. Điển hình nhất là ý tưởng khởi nghiệp còn “mơ mộng”. Từ thực tế này, Trường ĐH Thủy lợi nói riêng, các trường đại học nói chung phải đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, môi trường, kiến thức, kỹ năng… giúp sinh viên phát huy thế mạnh. Cùng đó, các em cần được thầy cô tư vấn, đồng hành, góp ý… để ý tưởng khởi nghiệp sát với thực tế, cơ hội thành công tăng lên.
PGS.TS Đỗ Hương Lan. |
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ lâu đã chú trọng đào tạo tư duy khởi nghiệp và tạo sân chơi cho sinh viên qua các CLB, hoạt động Đoàn thanh niên. Theo đó, sinh viên năm thứ nhất đến năm cuối có thể đăng ký tham gia Chương trình ươm tạo thường niên do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội tổ chức với tên gọi NEURON và các cuộc thi khởi nghiệp quốc gia, quốc tế khác.
Đối với sinh viên khối ngành kinh tế, nhà trường chủ trương tạo môi trường khởi nghiệp sớm để mang đến những giá trị nền tảng. Thứ nhất, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng bài bản, cần thiết, giúp ích cho quá trình khởi nghiệp sau này. Thứ hai, các em sớm biết cách áp dụng kiến thức đã học vào thực hành bằng việc tự tạo ra dự án có hình hài doanh nghiệp tương lai. Sinh viên sẽ biết được khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn cùng những gì mình thiếu hụt để cải thiện khi ngồi trên giảng đường.
Thứ ba, tham gia hoạt động khởi nghiệp sớm, các em sẽ quen với cả thành công và thất bại; từ đó học cách vượt qua khó khăn; hiểu thử thách, rủi ro trên hành trình khởi nghiệp; sớm rèn bản lĩnh khởi nghiệp. Thứ tư, sinh viên sẽ có cái nhìn thực tiễn, tinh nhạy hơn (Tuy nhiên, đây cũng có thể trở thành hạn chế nếu các em đặt mục tiêu kiếm tiền quá sớm).
Để khởi nghiệp cần nhiều kỹ năng, song một vài kỹ năng chính mà sinh viên nhất định phải chuẩn bị, đó là phát hiện thách thức trong đời sống kinh tế - xã hội, từ đó có ý tưởng khởi nghiệp; biết cách tìm ra bài toán cuộc sống đang cần, sau đó tìm lời giải cho bài toán đó.
Ngoài ra, các kỹ năng đàm phán, thuyết khách cũng quan trọng. Sinh viên khởi nghiệp cần đến kỹ năng thuyết phục để thành viên khác ủng hộ, nhà đầu tư bỏ vốn, khách hàng mua sản phẩm. Lưu ý, nếu không có nhân sự, vốn, sản phẩm làm ra không có khách hàng… các em khó có thể khởi nghiệp thành công.