Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đến việc tuyển dụng đủ giáo viên, với sự nghiệp giáo dục, đúng với tinh thần xác định đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục. Nghệ An đang tích cực tham mưu với UBND tỉnh và Sở Nội vụ để sớm triển khai.
Các cấp, ngành phải nỗ lực rất lớn để lấp chỗ trống giáo viên khi chúng ta có biên chế, GS Thái Văn Thành phân tích: Như ở Nghệ An còn thiếu 7.843 giáo viên và cũng từng đề xuất bổ sung từ năm 2020. Năm học mới 2022 - 2023 đã rất gần, Nghệ An đang thiếu nhiều giáo viên nhưng để phân bổ xong thì chưa biết đến lúc nào, chứ không phải ngày một ngày hai là có.
Thực tế việc tuyển giáo viên “khó nhanh” bởi quy trình phải qua nhiều khâu, gồm giao chỉ tiêu biên chế về cho các huyện, thị từ Sở Nội vụ, sau đó phải tổ chức hướng dẫn thi tuyển. Trước khi thi tuyển cũng phải công bố thông tin công khai trong một khoảng thời gian để ứng viên được biết, nộp hồ sơ. Sau đó mới đến thi tuyển, tiếp đó là trình cấp trên phê duyệt kết quả rồi mới ký hợp đồng vào làm việc.
Do đó, để bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập ngay trước thềm năm học mới là điều không thể. Tuy nhiên, dù nhanh hay chậm thì với Quyết định bổ sung biên chế giáo viên là một tin vui rất lớn đối với ngành. Giờ trách nhiệm thuộc về các đơn vị chức năng của địa phương trong đó có ngành Giáo dục, tham mưu, đề xuất và tổ chức thi tuyển giáo viên sớm để đảm bảo đủ số giáo viên, đặc biệt ưu tiên tuyển mới những giáo viên các môn học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Trường THPT Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. |
Làm gì để thay đổi?
Thực tế cho thấy, việc tuyển dụng biên chế cho ngành Giáo dục có tính đặc thù rất cao, nhưng thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng và quản lý đội ngũ này lại thuộc UBND tỉnh và ngành Nội vụ. Ngành Giáo dục không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu về công tác tuyển dụng dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ quản lý cấp phòng, sở; đồng thời thừa - thiếu giáo viên và mất cân đối cơ cấu giáo viên ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục.
Cho dù ở một số địa phương, ngành Giáo dục và Sở Nội vụ đã rất chủ động vào cuộc và linh hoạt giải quyết các khúc mắc nảy sinh nhưng thực tế cho thấy là với những quy định như hiện nay, ngành Giáo dục đang ít nhiều bị động trong việc tuyển người đảm bảo theo yêu cầu công việc của mình.
Lý giải những bất cập này, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Vấn đề bất hợp lý là sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực.
Để tuyển dụng giáo viên, quy trình quản lý nguồn nhân lực phức tạp do phải tuân thủ nhiều luật (như Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục) và với nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. Các quyết định quản lý hành chính liên quan đến việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên có sự tham gia của ngành GD-ĐT, Nội vụ, UBND các cấp và nhà trường. Sự phức tạp này có xu hướng làm hạn chế hiệu quả và hiệu lực quản lý.
Từ thực tế trên, cho thấy cần có cơ chế trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng giáo viên để đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu các môn học, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Trong khi chưa tuyển đủ giáo viên, cho phép địa phương hợp đồng với giáo viên và những người này được hưởng các chế độ gần tương đương với giáo viên chính thức.
Đặc biệt, cần khắc phục bất hợp lý là sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực (bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, giáo viên cấp dưới) và tài chính (phân bổ, thu/chi ngân sách Nhà nước) trong phạm vị quản lý của mình.
Để triển khai thực hiện tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022 - 2023.
Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật; ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế xã - hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu.