Thầy Thuấn "huấn luyện" trẻ mầm non

Thu Thảo | 05/12/2021, 09:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Giáo viên mầm non đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ nên phù hợp với nữ giới. Thế như ở vùng sâu của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), thầy Nguyễn Đức Thuấn ngày qua ngày cần mẫn với nghề nuôi dạy trẻ.

Lúng túng trong cách... xưng hô

Thầy Nguyễn Đức Thuấn tốt nghiệp năm 1994 tại trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương 1. Nhưng phải tới năm 1998, thầy mới trở thành giáo viên mầm non.

Thầy cho biết, bản thân không xác định học nghề giáo từ trước. Hai năm sau khi tốt nghiệp THPT, thầy mới quyết định theo ngành “bụi phấn” vì thấy các bạn đồng trang lứa đều đã trở thành sinh viên. Rất may mắn vì trước quyết định đó, thầy nhận được sự ủng hộ của bố mẹ và người thân trong gia đình.

Sau khi đi làm được thực hành nghề nghiệp thường xuyên và tiếp xúc trực tiếp với các em nhỏ, tình yêu với nghề dần được hun đúc và lớn dần.

anh-1-1-.jpg
Thầy Thuấn cùng học trò tại Trường Mầm non Linh Phú (Chiêm Hóa)

Nhắc về những ngày đầu tiên đi dạy, thầy Thuấn cho biết lúng túng từ cách xưng hô, nói chuyện, chăm sóc các bé. Có những bé khóc rất nhiều, thầy Thuấn luôn phải ở bên dỗ dành. Bé nào chậm ăn thầy phải bón từng chút một.

Thầy Thuấn tâm sự: "Nụ cười ltrên gương mặt của cả học sinh và phụ huynh là động lực để tôi quyết tâm trở thành một thầy giáo tốt. Trong giáo dục phải đối xử công bằng, yêu thương học sinh như con. Dù khá run rẩy trong những ngày đầu tiên nhưng thời điểm đó, tôi đã chắc chắn mình có thể làm tốt được công việc giáo viên mầm non.

Tôi cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn mỗi ngày. Được đồng nghiệp hết lòng giúp đỡ nên dần dần tôi đã tự tin đứng lớp, nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và đạt được kết quả như ngày hôm nay”.

Vui vì những bông hoa... nhựa

Trước khi về trường Mầm non Linh Phú quản lý, thầy Thuấn đã công tác ở nhiều trường trên địa bàn Chiêm Hóa. Tháng 10/2015, thầy được được điều động tới Hồng Quang-xã xa nhất của huyện để quản lý điểm trường mầm non. Khi đó cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn nhiều. Nơi làm việc cũng là nơi nghỉ ngơi. Các lớp học đều là lớp ghép được xây dựng tạm bợ. Thời gian đó, thầy và các giáo viên tại địa phương phải tới từng gia đình để vận động phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non được tới trường.

Cũng tại nơi này, thầy đã có một kỷ niệm được cho là đặc biệt nhất. Thầy Thuấn chia sẻ: “Tôi mới lên đây công tác được một tháng, vào đêm trước ngày Nhà giáo Việt Nam, đã có các bác phụ huynh học sinh dân tộc Pà Thẻn và dân tộc Tày tới thăm.

Trên tay mỗi người cầm một bông hoa nhựa và đồ ăn thức uống, chúng tôi đã cùng nhau ngồi giữa sân trường tâm sự chuyện trò. Nhận được tình cảm của người dân vùng cao khiến tôi cảm thấy đáng quý và trân trọng. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời công tác xa nhà mà tôi được tặng hoa”.

anh-2-1-.jpg
Thầy Thuấn (ở giữa) cùng tập thể giáo viên trường Mầm non Linh Phú

Là người đứng đầu nhà trường, thầy thường xuyên nhắc nhở giáo viên tu dưỡng đạo đức lối sống và nâng cao nghiệp vụ tay nghề. Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bằng cách nắm rõ chế độ dinh dưỡng, chú trọng tới từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ. Bởi thế, thầy luôn nhận được sự tin tưởng từ phụ huynh tới đồng nghiệp dù công tác ở bất cứ nơi đâu.

Nhờ sự tận tâm và nỗ lực, trong nhiều năm công tác, thầy Thuấn luôn đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua. Được Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao tặng bằng khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các trường mầm non trong quá trình thầy quản lý cũng nhận được nhiều thành tích cao như Đơn vị xuất sắc trong thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh,…

Cô Đinh Thùy Duy, giáo viên của trường nói về thầy đầy tự hào: “Thầy Thuấn là người thầy, người lãnh đạo giỏi và có trách nhiệm cao trong công việc, quan tâm đến học sinh cũng như động viên đồng nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn. Là giáo viên nam nhưng chưa bao giờ tôi thấy thầy nản lòng với nghề giáo viên mầm non dẫu rất vất vả. Thầy luôn nói với chúng tôi hãy luôn hết lòng với nghề, nghề sẽ trả lại cho ta những gì xứng đáng”.

* Tác giả: Thu Thảo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền 

Bài liên quan
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tuyên dương giáo viên nhiều sáng kiến
(GDTĐ) - Năm 2021, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” sẽ tuyên dương các giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy Thuấn "huấn luyện" trẻ mầm non