Thời gian ủ bệnh của sán dây trưởng thành khoảng 8-10 tuần, ấu trùng sán dây lợn khoảng 9-10 tuần.
Thời kỳ lây truyền sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng ra ngoài hậu môn hoặc theo phân bài tiết ra ngoài. Trong đốt sán có trứng sán, khi đốt rữa ra trứng sẽ giải phóng và nếu người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ gây bệnh ấu trùng sán dây lợn.
Phương thức lây truyền là người ăn phải thịt lợn, thịt bò có ấu trùng sán (nang sán) chưa được nấu chín sẽ phát triển thành sán dây lợn/bò trưởng thành ký sinh ở ruột non của người.
Người ăn phải trứng sán dây lợn, trứng sẽ phát triển thành nang trùng sán trong cơ thể (người gạo); rất hiếm gặp bệnh ấu trùng sán dây bò.
Bệnh sán dây trưởng thành thường liên quan đến tập quán ăn thịt lợn/bò tái hoặc chưa nấu chín. Tuy nhiên, bệnh sán dây bò thường chiếm tỷ lệ cao hơn vì người dân thường ăn thịt bò tái hoặc chưa nấu chín hơn thịt lợn.
Người rất ít có miễn dịch với bệnh sán dây trưởng thành và ấu trùng.
Do đó, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần biết về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn để chủ động phòng chống bệnh; Chú ý vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò/lợn tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước; Xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường: Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh…