Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thành thanh, kiểm tra thị trường vàng trong tháng 5, theo yêu cầu của Thủ tướng.
Nội dung trên nêu tại thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về chính sách tài khóa, tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất, ngày 18/5.
Tại công văn, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu điều hành thị trường vàng đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch, không để vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Hôm 17/5, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định thanh tra việc kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây. Thủ tướng nhắc cơ quan này hoàn thành thanh tra trong tháng 5. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ông yêu cầu chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý.
Cùng đó, Ngân hàng nhà nước phải siết kiểm tra tuân thủ các quy định trong kinh doanh vàng. Cơ quan này phải chỉ đạo, nghiêm cấm các doanh nghiệp, tổ chức, ngân hàng thương mại có kinh doanh, mua bán vàng, vàng miếng SJC lợi dụng thao túng thị trường.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế theo từng lần trong kinh doanh, mua, bán vàng. Việc này phải hoàn thành trước ngày 15/6, nếu không các đơn vị kinh doanh vàng sẽ chịu chế tài mạnh nhất là rút, thu hồi giấy phép kinh doanh.
Nhân viên lấy vàng miếng cho khách tại cửa hàng SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, ngày 19/2. Ảnh: Thanh Tùng
Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, chênh lệch với giá thế giới nới rộng dù cơ quan quản lý tiến hành đấu thầu tăng cung. Cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC lập đỉnh 92 triệu đồng một lượng, cao nhất từ trước đến nay.
Sau các chỉ đạo từ cơ quan quản lý, giá vàng miếng SJC hạ nhiệt, lùi về ngưỡng 90 triệu đồng nhưng chênh lệch với thế giới vẫn ở mức cao, quanh ngưỡng 17 triệu đồng một lượng.
Tại văn bản lần này, Thủ tướng giao trách nhiệm cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng. Thủ tướng dẫn Nghị định 24 về cho biết, Thống đốc có thẩm quyền quyết định phương án can thiệp cụ thể gồm thời điểm, khối lượng, giá vàng, hình thức can thiệp. Thống đốc chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về kết quả điều hành, bình ổn thị trường vàng.
Các phương án can thiệp thị trường phải bảo đảm hiệu quả, kịp thời, không chậm trễ hay triển khai không phù hợp, giảm hiệu quả các công cụ điều hành của Nhà nước, theo yêu cầu của Thủ tướng. Cùng đó, nhà chức trách cần có giải pháp khắc phục ngay và luôn chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Ông yêu cầu Thống đốc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ với tinh thần không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.