- Nhưng trên thực tế, ngày khai giảng đã cận kề mà sách giáo khoa (SGK) vẫn chưa đến tay học sinh. Vậy việc học tập của học sinh có thể diễn ra như cách mà ông vừa nói?
- Chúng tôi đã kiểm tra với các NXB và đúng là có những khó khăn nhất định do tình hình dịch bệnh. Nhiều địa phương phải giãn cách nên việc lưu thông hàng hóa khó khăn, trong đó có SGK. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị ưu tiên hỗ trợ việc đưa SGK đến tay học trò.
Chúng tôi cũng đã trao đổi với NXB để trong trường hợp nơi nào chưa cung ứng được, NXB có giải pháp là cung cấp bản pdf để học sinh có thể tiếp cận được SGK phiên bản điện tử.
Hãy hình dung phương tiện nào không quan trọng, mà quan trọng là đến được tay học trò.
- Trong điều kiện phải học trực tuyến kéo dài, nội dung học tập trên lớp của học sinh có được tinh giản để phù hợp bối cảnh dịch bệnh không, thưa ông?
- Chúng tôi đã ban hành Công văn 3280 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, 10 môn sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu…