Chẳng hạn, đề kiểm tra sẽ bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Phạm vi kiến thức theo sát chương trình giáo dục phổ thông. Các bài kiểm tra cũng được rọc phách và chấm tập trung.
Do vậy, việc tổ chức thi thử chính là “bước đệm” giúp học sinh làm quen với hình thức và không khí của trường thi. Quan trọng hơn, kết quả kỳ thi thử sẽ là thước đo giúp giáo viên, nhà trường có cách đánh giá cụ thể quá trình ôn tập của học trò. Từ đó, có thể đánh giá năng lực học tập và định hướng ôn tập cho các em theo hướng phù hợp nhất. Thi thử cũng là cơ hội để tập dượt, giúp các em không còn bỡ ngỡ và tránh được những sai sót không đáng có cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Theo các thầy, cô giáo, “thi thử” nếu được tổ chức nghiêm túc ở các khâu sẽ mang lại lợi ích thực sự cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng, không cần thiết phải tổ chức thi thử trước khi thi thật. Bởi học sinh có thể bị quá tải khi đối diện với các kỳ thi liên tiếp.
Phản biện về quan điểm trên, các sở GD&ĐT cũng như trường THPT lập luận, cần nhìn nhận khách quan rằng, thi thử chỉ là bước đệm và tập dượt cho học sinh, giúp các em ổn định tâm lý, làm quen với không khí của trường thi. Sẽ không có bất cứ phán xét nào ở kỳ thi thử, dù kết quả của học sinh như thế nào. Do đó sẽ không có chuyện gia tăng lo lắng, áp lực cho học sinh. Song có điều chắc chắn là, mỗi trường sẽ có điều chỉnh trong cách thức tổ chức ôn tập cho các em theo hướng tốt hơn.