Theo một vài nghiên cứu, tôm hùm vàng là kết quả của đột biến gene hiếm gặp không xác định, trong khi tôm hùm cam là do đột biến protein liên kết với sắc tố. Hầu hết tôm hùm màu cam được mô tả là "tam thể", với sự pha trộn giữa màu cam và màu đen. Tuy nhiên những nghiên cứu này ở quy mô nhỏ vì tôm hùm có màu sắc như thế này ở ngoài tự nhiên rất hiếm.
"Con tôm này đã lột vỏ vào tối qua, việc tôm vẫn giữ được màu vàng cam trong lần lột vỏ kế tiếp thì màu sắc đặc biệt của con tôm này là do đột biến protein liên kết với sắc tố. Tôm sau khi lột vỏ thì lớp vỏ hiện tại rất mỏng và yếu, tôm đã dùng rất nhiều năng lượng để lột vỏ nên đây là giai đoạn tôm rất yếu. Vì thế ngoài tự nhiên đây là giai đoạn tôm dễ bị tấn công nhất.
Để đảm bảo sức khỏe cho tôm thì hiện nay cán bộ kỹ thuật đang bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho tôm như vitamin A, vitamin C, canxi,… Thông thường, tôm hùm thường lột vỏ với chu kỳ 1 năm 1 lần. Sau quá trình lột vỏ thì tôm có khối lượng tăng hơn trước một cách đáng kể, bằng mắt thường ta cũng dễ dàng nhìn thấy sự thay đổi này", ThS. Hồ Sơn Lâm, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Viện Hải dương học cho biết.
Thích thú khi được chụp ảnh lại bộ vỏ của con tôm hùm, một du khách đến từ Vũng Tàu chia sẻ: "Lần đầu tiên mình thấy vỏ tôm hùm có màu vàng như luộc chín thế này, nhìn rất lạ mắt. Mình hy vọng Viện Hải dương học sẽ dựng thành tiêu bản để khách ngoài việc đến xem tôm hùm thật trong bể còn có thể xem, thậm chí sờ vào con tôm hùm vàng cam tiêu bản để cảm nhận".
Sau khi lột vỏ, phần vỏ tôm hùm tương đối nguyên vẹn sẽ được chế tác để phục vụ công tác trưng bày ở Bảo tàng cho khách tham quan.