Theo đó, Sở GD&ĐT quy định vào thời gian tổ chức kiểm tra cuối kỳ, đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và học sinh đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp.
Nếu nhà trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và học sinh không thể đến trường học trực tiếp, thì nhà trường tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Riêng những học sinh thuộc diện F0, học sinh vì cách ly, giãn cách xã hội … không thể tham gia kiểm tra cuối kỳ từ ngày 10/1/2022 – 22/1/2022, Sở GD&ĐT đề nghị nhà trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp, trao đổi với phụ huynh, thông báo cho học sinh. Việc kiểm tra bổ sung hoàn thành trước ngày 28/2/2022.
Trước khi kiểm tra, nhà trường cần rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại. Các trường có tổ chức dạy học tích hợp bố trí thời lượng dạy học trực tiếp cho các môn học tích hợp nhằm củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trước khi thực hiện kiểm tra cuối kỳ và đáp ứng chuẩn đầu ra theo yêu cầu kiểm tra đánh giá của chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, hình thức, cấu trúc đề kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỷ lệ các mức độ câu hỏi…) là do hiệu trưởng quyết định sau khi bàn bạc, thống nhất với tổ chuyên môn, đảm bảo được đánh giá, phân loại học sinh theo quy định.
Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình học kỳ 1 và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, ông Hiếu lưu ý Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với lớp 6, thời gian làm bài kiểm tra đối với môn học có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút…