Tranh lụa Việt khắc hoạ nội tâm con người

Trần Hoà | 17/06/2022, 09:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần 40 tác phẩm của 5 họa sĩ tranh lụa nổi tiếng, hội tụ trong triển lãm đem đến những bất ngờ - cả về chất liệu lẫn cách khắc họa thế giới nội tâm.

Họa sĩ Hoàng Minh bên tác phẩm của mình.Họa sĩ Hoàng Minh bên tác phẩm của mình.

“Lụa 2022” diễn ra tại Không gian nghệ thuật Ánh Dương Art Space (Long Biên – Hà Nội), trưng bày gần 40 tác phẩm của các họa sĩ: Vũ Đình Tuấn, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Đức Toàn, Lưu Chí Hiếu và Nguyễn Thị Hoàng Minh. Mỗi tác phẩm đem đến cảm nhận khác nhau về sự thuần khiết, mỏng manh nhưng đầy mạnh mẽ thẳm sâu của lụa và tâm hồn.

Tiếp nối truyền thống

Hoạ sĩ Hoàng Minh bên tác phẩm.

Trong lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình, tranh lụa thường được nhắc đến ở một số nước ở phương Đông có nghề trồng dâu nuôi tằm. Với đặc tính thoáng, nhiều ô trống, sợi dai nhưng mềm và mịn. Lụa có độ thấm hút tốt, khó phai và đem lại cảm giác mềm mại, trong và sâu.

Vẻ đẹp của chất liệu có trong lụa khác hẳn  sơn mài, sơn dầu. Bởi vậy, tranh lụa được gọi tên theo đặc tính của chất liệu làm nền tranh, chứ không theo chất liệu vẽ lên trên nền đó.

Tranh lụa luôn giữ một vị thế quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong dòng chảy, tranh lụa được ghi dấu bởi tên tuổi và sự nghiệp của các danh họa từ thời mỹ thuật Đông Dương như: Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Thị Lựu, Trần Đông Lương…

Danh họa Nguyễn Phan Chánh thường vẽ nhiều lớp màu trên một mảng hình. Mảng màu nâu được ông vẽ lần lượt các màu đỏ, xanh, nâu như là pha màu thẳng lên lụa rồi mang ra xối nước làm trôi đi các cặn màu. Khi tinh chất của màu đã thấm sâu vào thớ lụa, thì nước chỉ còn tác dụng làm trôi đi cặn bẩn mà thôi.

Tuy nhiên, lụa khá hạn chế trong việc diễn tả ánh sáng, tả chất, vờn khối, không gian và thậm chí cả màu sắc. Sự thay đổi phong phú đa dạng các mảng hình trong tranh lụa chỉ đơn thuần là các mảng phẳng thì sẽ rất đơn điệu.

Vì vậy, các họa sĩ đã tìm tòi đưa chi tiết, họa tiết vào trong các mảng hình ấy để tạo sự sinh động, hấp dẫn và cuốn hút người xem.

Việc sử dụng mảng và nét như vậy đã mang đậm tính trang trí của tranh lụa. Ở góc độ hội họa, tính trang trí được hiểu là dùng để chỉ đặc điểm hay phẩm chất của tranh, khiến người xem liên tưởng đến nghệ thuật trang trí.

Tranh lụa Việt Nam trong những thập kỷ gần đây mang trong mình tính tiếp nối với truyền thống. Trong đó, những nét mới trong cách vẽ và tinh thần thời đại với những lớp tầng cảm xúc được các họa sĩ khai thác triệt để.

Tranh lụa đương đại tiếp tục tỏa sáng với vẻ thuần khiết, mỏng mềm nhưng cũng đầy ma mị. Gần 40 tác phẩm của 5 họa sĩ đang trưng bày trong “Lụa 2022” diễn tả khá rõ về điều đó.

Nét ma mị của tranh lụa

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đem đến triển lãm niềm quan tâm đến hình tượng người phụ nữ trong xã hội. Anh chia sẻ: “Muốn biết xã hội thế nào, hãy nhìn vào người phụ nữ”.

Hình ảnh phụ nữ trong tác phẩm của anh mang một cảm giác hài hòa, bình yên. Đó là những cô nàng mây, nàng thơ của nghệ sĩ ẩn hiện những đường nét tưởng chừng như thực mà hư ảo.

Với việc phối hợp giữa các màu sắc trên chất liệu đầy đỏng đảnh như lụa, đã tạo nên một sự hòa hợp của người phụ nữ với không gian xung quanh. Bức tranh “Hơi thở nhẹ” mô tả cô gái tưởng như đang ngủ, nhưng thực chất là suy tư về cuộc đời.

Họa sĩ sử dụng lối vẽ lụa tân thời, gam trắng, xanh nhẹ nhàng với chút hồng, đen tạo điểm nhấn. Anh không vẽ một hình mẫu phụ nữ cụ thể, mà vẽ hình nhân của cái đẹp.

Khắc họa tâm hồn con người, họa sĩ Vũ Đình Tuấn lại cho rằng: “Chúng ta đang ngắm nhìn trong đời sống tự nhiên qua ô cửa sổ có hình dạng một khuôn mặt”. Bộ tác phẩm “Vườn Đông phương” mang nhiều trạng thái cảm xúc, sự bộn bề, tĩnh lặng và sôi nổi.

Đình Tuấn mô tả mặt người bên những bông lục bình trôi để thể hiện lát cắt thời gian, hình ảnh thiên nhiên hay một trạng thái cảm xúc.

Bức tranh có thể được hiểu là kiếp người lênh đênh trôi nổi, hay một phụ nữ hồng nhan bạc mệnh hoặc nhiều suy tưởng khác. Gương mặt như một ô cửa, mở ra những cảm nhận khác nhau qua con mắt người xem.

Nguyễn Đức Toàn lại đem đến bộ tác phẩm “Không ngủ”, diễn tả dòng chảy thời gian. Từ khoảnh khắc tràn trề sức sống đến khi mọi thứ kết thúc chu kì cuộc đời. Ở đó, hình ảnh con người đang mắc kẹt trong cái kén, biểu thị thế giới nội tâm.

“Qua các tác phẩm, tôi muốn vẽ câu chuyện về thế giới tâm thức trong mỗi người. Chúng song hành, cân bằng cảm xúc bên trong với một thực tại ồn ào, hỗn độn bên ngoài”, họa sĩ cho hay.

Họa sĩ Lưu Chí Hiếu đem đến không gian siêu thực, được đan chồng bởi những lớp cắt thiên nhiên và đồ vật, tương tác giữa bóng - hình, sáng - tối, ẩn - hiện, cổ - kim. Bức “Ký ức hiện hữu” mô tả hình ảnh một con người lơ lửng giữa không trung, đan xen họa tiết chạm khắc đình làng màu xanh, đỏ.

Họa sĩ cho biết tranh là ký ức, trăn trở của anh về truyền thống. Anh nói: “Truyền thống rất quan trọng, là quá khứ nhưng cũng là tương lai. Nếu biết tìm tòi, lưu giữ, bảo tồn, chúng ta sẽ nhận được nhiều giá trị hơn”.

Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hoàng Minh lại kể những góc khuất một giai đoạn cảm xúc của bản thân. Hình ảnh cô gái đang đứng trước gương, đeo mặt nạ chú mèo. Người xem nhìn vào tác phẩm, có thể thấy bóng hình của chính mình ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.

Hoàng Minh cho biết, mặt nạ tượng trưng thái độ, trạng thái khác nhau của con người. Những trăn trở, tâm tư, tình cảm đôi khi phải giấu kín dưới mặt nạ, chỉ trưng ra những điều tốt đẹp mà thôi. Mỗi người đều có bí mật riêng.

Nét nổi bật của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là tìm được một bảng màu riêng, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc. Các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.

Bài liên quan
Hoạ sĩ tuổi 18 với “Dáng hình thuỷ tinh”
Đưa ra một góc nhìn sâu sắc hơn về chủ đề của những ký ức ẩn hiện trong tâm thức, nghệ sĩ trẻ Hoàng Long Hải (18 tuổi) khám phá những sự thật đơn giản về con người.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh lụa Việt khắc hoạ nội tâm con người