Tranh thuỷ mặc Tạ Duy và nghệ thuật bỏ trống

Trần Hoà | 04/08/2022, 08:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là họa sĩ trẻ hiếm hoi hồi cổ với dòng tranh thủy mặc, Tạ Duy đã thành công khi định hình được phong cách riêng với nghệ thuật bỏ trống.

Ấy vậy mà Tạ Duy vẫn cho rằng, thủy mặc chưa phải ngôn ngữ khiến anh thỏa mãn hoàn toàn. Có thể anh lại chuyển sang vẽ lụa nhưng với bút pháp của Trung Quốc họa. Thủy mặc họa chỉ là một nhánh của hội họa Trung Hoa truyền thống. Bởi vậy, họa sĩ khao khát áp dụng thủ pháp Trung Quốc họa cho cả acrylic, hay thậm chí là sơn dầu.

Tìm cái đẹp trong nghệ thuật bỏ trống ảnh 1
Tác phẩm 'Mướp và hoa phù dung' - mực và màu trên giấy.

Không cố vẽ cho khác người

“Bút lực cũng là một điều đáng kể trên tranh Tạ Duy. Bút lực thể hiện ý chí khỏe mạnh và phong thái điềm tĩnh - là những giá trị không dễ nắm bắt trong chốc lát, mà phải thẩm thấu lâu dài. Một số bức tranh mang tính chất Zen art, để lại khoảng trống nhiều trên tranh, tạo ra độ tĩnh khung cảnh và hình tượng không quá cầu kỳ” – Giám tuyển Vân Vi.

Là tác giả của cuốn “Lược sử Trung Quốc họa” từ khởi nguồn cho đến hiện tại. Cuốn sách cũng trở thành một tài liệu tham khảo về văn hóa và nghệ thuật cho những bạn trẻ trong ngành nghệ thuật. Tạ Duy thú thực là vẽ thủy mặc đơn giản như cơm ăn nước uống hằng ngày, vì anh yêu và muốn sống chung với điều đó.

Dù nghiệp của Tạ Duy là vẽ, nhưng công việc mang tới nguồn thu nhập chính để nuôi dưỡng đam mê lại trong vai trò là một giảng viên. Tạ Duy chia sẻ, anh không thấy phiền khi chưa “sống được” bằng nghiệp vẽ. Vì đơn giản, cuộc sống vừa đủ, có cơm ăn áo mặc và thời gian dành cho sáng tạo đã là một điều viên mãn.

Quan sát hành trình sáng tạo của Tạ Duy, giám tuyển Vân Vi cho rằng những bức tranh lần này của anh mang những kỹ thuật, bút pháp mà họa sĩ đã dày công rèn luyện. Nhưng trên hết là sự hòa trộn tự nhiên vào với những gì cảm nhận của riêng họa sĩ.

“Đa số tranh Duy theo lối tả ý, sau khi đã quan sát sự vật hiện tượng đủ kỹ thì cái thần thái của sự vật sẽ đọng lại trong tâm trí. Hình tượng thể hiện ra sẽ chỉ còn lại phần tinh túy của sự vật lưu lại trong tâm khảm, không còn lệ thuộc vào hiện thực. Tinh thần khách quan của sự vật và tinh thần chủ quan của họa sĩ trở thành một thể thống nhất trên tranh”, giám tuyển Vân Vi cho biết.

Quay lại triển lãm “Sự khởi đầu” vào 4 năm trước, Tạ Duy đem đến một bộ tranh tứ bình, khai thác những vẻ đẹp dung dị của thiên nhiên. Anh cũng thừa nhận, tranh của mình không mang nhiều tính trừu tượng mà rất hiển minh.

Công chúng xem tranh thủy mặc và hỏi rằng điều gì khác nhau ở những bức tranh theo chuẩn mực kỹ thuật? Chính khách thể như những bông hoa chỉ được mượn để thể hiện cái tinh thần của họa sĩ - đó chính là điều khác biệt. Phong cách riêng đối với Tạ Duy không phải là sự cố gắng làm cho khác người, mà là xuất phát từ những nhu cầu tự nhiên đang diễn ra trong tâm tư người nghệ sĩ.

Tạ Duy không muốn bấu víu vào một chủ đề bất biến nào. Mọi thứ trong cuộc sống va đập vào nhãn quan và gây xúc động đều có thể được đưa vào tranh. Cuộc sống với tất cả diện mạo đều đáng quý với nghệ thuật. Nghệ thuật với anh, chỉ đơn giản là cuộc sống được biểu đạt bằng nước và mực.

Bài liên quan
Khai mạc triển lãm 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục'
Sáng 17/5, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh thuỷ mặc Tạ Duy và nghệ thuật bỏ trống