Trúc chỉ Việt và triết lý "tín niệm tường minh"

Trần Hoà | 22/01/2022, 10:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nếu như Hòa chỉ là giấy thủ công của Nhật Bản, Hàn chỉ là giấy của Hàn Quốc, thì Trúc chỉ là định danh một loại giấy nghệ thuật mang cốt cách Việt Nam.

Từ những bất ổn của đời sống, từ đại dịch Covid-19 đẩy tốc độ vận động trở nên nhanh hơn gấp nhiều lần. Nghệ thuật Trúc chỉ cũng vận động theo nhịp thở gấp gáp ấy để chào xuân năm mới 2022 với triển lãm mang tên rất lạ “Tín niệm tường minh”.

Triển lãm dù đã kết thúc, nhưng dư âm nghệ thuật giấy truyền thống Việt Nam đã khẳng định một thế đứng mới trong lòng công chúng.

Những nghệ sĩ tổ chức cuộc triển lãm nói rằng, khi mà con người phải đối diện với rất nhiều thông tin giả, hàng giả, nhiều tuyên ngôn vô nghĩa trước sự nhiễu loạn mang tính thương mại thì nhiều người tìm đến và tin tưởng các sản phẩm hàm chứa văn hóa bản địa.

“Tín niệm” có thể hiểu một phần mang hàm nghĩa chữ tín, “tường minh” cũng có thể hiểu là sự rõ ràng. Trong “Tín niệm tường minh”, cùng với những tác phẩm Trúc chỉ bày tỏ suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời, văn hóa tín ngưỡng; về cái đẹp của thiên nhiên đa sắc… còn có sự hiện diện của các giá trị thủ công truyền thống đậm nét.

tin-niem-3.jpg

Trúc chỉ không phải nền tác phẩm mà bản thân Trúc chỉ đã là tác phẩm nghệ thuật.

Ngoài triết lý niềm tin vào nghệ thuật, hoạ sĩ Phan Hải Bằng còn tái khẳng định ý nghĩa “mang thêm cho giấy một khả năng thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành một tác phẩm tự thân, độc lập”.

Trúc chỉ hoàn toàn có thể là một tác phẩm nghệ thuật tự thân mang đậm ngôn ngữ đồ họa. Mặt khác, Trúc chỉ cũng sẵn sàng đối thoại với những tín hiệu tạo hình được đặt tiếp lên trên nó – như một sự hoà hợp, vốn mang bản tính thuần Việt.

Trong thế giới nghệ thuật, có vô vàn triết lý, mỗi nghệ sĩ lại có sự lựa chọn khác nhau và sống với tín niệm như một tuyên ngôn xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo. Trúc chỉ Việt, dù mang tính cá nhân nhưng lại bao hàm yếu tố truyền thống và tinh thần Việt – để sánh với niềm tự hào của Hoà chỉ và Hàn chỉ.

Giống với giấy Dó, nhưng cũng khác với thân phận của Dó. Trúc chỉ là giấy, nhưng không phải làm nền cho các phương thức sáng tạo. Bản thân Trúc chỉ đã là một tác phẩm nghệ thuật được soi rọi dưới ánh sáng tự nhiên và gắn liền với tinh thần truyền thống.

Mới đây, nghệ thuật Tuồng và Trúc chỉ đã phối kết tạo sự tiếp biến qua bộ Poster tập trung vào vở tuồng kinh điển Sơn Hậu, với bốn khuôn mặt nhân vật đặc trưng cho tinh thần vở diễn. Sơn Hậu là một trong những vở tuồng cổ cung đình Việt Nam, kể về hành trình cuộc chiến chống lại bọn gian thần, giành lại giang sơn xã tắc của những trung thần nhà Tề.

Sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật đã làm nên sự khác biệt, khiến công chúng cảm thấy có gì đó rất mới trong những điều đã cũ. Dù việc định danh cho giấy nghệ thuật khá mơ hồ, nhưng yếu tố truyền thống là tín hiệu tích cực để nghệ thuật Việt ngày càng phong phú hàm lượng sáng tạo.

Bằng cách khai thác yếu tố truyền thống, hoạ sĩ Phan Hải Bằng kết hợp nghệ thuật Trúc chỉ với các nghề thủ công khác để tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn của văn hóa Huế như: Tranh làng Sình, mây tre đan Bao La, nghề làm nón, thêu, làm lọng, dù, chạm khắc gỗ...

Bài liên quan
Nghĩ về giáo dục di sản
Mới đây, Bộ VH-TT&DL có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục trong hoạt động bảo tàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trúc chỉ Việt và triết lý "tín niệm tường minh"