Trường đại học có số thí sinh trúng tuyển gấp gần 16 lần chỉ tiêu

Thu Huyền | 06/10/2021, 08:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước thực tế một trường đại học công bố danh sách thí sinh trúng tuyển cao gấp nhiều lần chỉ tiêu  theo đề án tuyển sinh, đại diện Bộ GD-ĐT đã lên tiếng.

Dù đây mới chỉ là số lượng thí sinh có điểm xét tuyển cao hơn hoặc bằng điểm chuẩn, không phải 100% số này đều xác nhận nhập học. Tuy nhiên, con số được công bố cũng khiến nhiều người quan tâm.

Cụ thể, theo công bố của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ngành Quản trị kinh doanh có số lượng thí sinh trúng tuyển là 943 em, trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là 60, cao gấp gần 16 lần.

Cũng ở trường này, ngành Công nghệ thông tin lấy số thí sinh trúng tuyển (445) cao gấp 8 lần so với chỉ tiêu (55). Trong khi đó, có 573 thí sinh trúng tuyển Ngành Quản lý đất đai nhưng chỉ tiêu chỉ là 125 (gấp hơn 4,5 lần).

Việc gọi thí sinh trúng tuyển nhiều hơn hẳn so với chỉ tiêu cũng diễn ra ở một số trường đại học như ĐH Đà Lạt, ĐH Đồng Nai,...

Lãnh đạo một trường đại học cho biết, việc lấy dư một chút so với chỉ tiêu là chuyện bình thường. “Vì thường nhập học kể cả trường top đầu cũng không được đúng 100% do trừ hao số đi du học. Tuy nhiên, con số vượt chỉ tiêu như vậy là quá nhiều và có vẻ các trường này cũng quá liều”, vị này nói.

Lãnh đạo một trường ĐH khác cũng bất ngờ với thông tin này, dù chuyện “dự phòng” không quá xa lạ.

“Nhiều trường có tình trạng mất cân đối trong tuyển sinh giữa các ngành, nên có hiện tượng gọi theo nhu cầu đăng ký, có ngành không đủ thí sinh. Về nguyên tắc phải gọi đúng theo chỉ tiêu, lấy từ cao xuống thấp. Còn ở đây, các trường gọi tăng thêm để dự phòng số thí sinh không đến nhập học”, vị này nói.

Theo vị này, phần mềm lọc ảo của Bộ GD-ĐT chỉ để xác định một thí sinh chỉ trúng tuyển 1 mã ngành và 1 trường, tránh trường hợp trúng tuyển nhiều nơi. Do đó, việc lọc ảo của Bộ GD-ĐT không ảnh hưởng gì đến việc “gọi” thí sinh của các trường.

“Các trường chỉ đặt tỷ lệ dự kiến trúng tuyển trên chỉ tiêu hiện có, sau đó chạy trên phần mềm và lọc ảo gửi về các trường. Tuy nhiên có trường đặt cao hơn chỉ tiêu. Thực ra thì cũng có năm, có trường gọi nhiều nhưng cũng không có thí sinh nhập học, nhưng có năm lại vào nhiều. Do đó, nếu dự báo không tốt là dễ bị vi phạm quy định của quy chế tuyển sinh”.

Trưởng phòng đào tạo 1 trường ĐH lớn ở phía Nam cho hay việc lọc ảo hầu như chỉ có tác dụng với nhóm các trường "top trên" để tránh các trường này bị ảo lớn.

“Có năm, chính các trường có điểm chuẩn cao vẫn bị “ảo” như thường và điều này do có thể một phần là thí sinh trúng tuyển nhưng sẽ du học, ôn thi vào trường khác hay học các trường không trong hệ thống lọc “ảo”. Thường các trường có điểm chuẩn cao thì không gọi nhiều, vì nhóm điểm cao có giới hạn thí sinh còn các trường có điểm chuẩn thấp thì rất đông và rất dễ biến động (học cao đẳng, học nghề, thi lại, học trường khác theo diện khác)".

Trong khi đó, một cán bộ tuyển sinh khác thì cho rằng, phần mềm lọc ảo chỉ có hiệu quả tương đối.

“Vấn đề là hiện nay nhiều trường đại học cũng chưa thể dự đoán được vì có thể thí sinh sẽ nhập học ít hơn nên mới dự chỉ tiêu rất cao. Cụ thể như trường dự đoán tỷ lệ nhập học chừng 40% - 60% số lượng thí sinh sinh trúng tuyển nhưng nhập học chừng hơn 60% là “chết” vì khi đó lại thành vượt chỉ tiêu. Ngược lại, khi tỷ lệ nhập học ít hơn thì ảnh hưởng sự sống còn của trường”.

Số thí sinh trúng tuyển 'ảo' có thể khá nhiều

Nói về vấn đề này, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay, thực tế, không phải năm nay mới có việc các trường đưa ra số lượng trúng tuyển cao hơn so với chỉ tiêu công bố. Các trường đưa ra số lượng trúng tuyển cao hơn khá nhiều so với chỉ tiêu thường cũng thuộc vào nhóm các trường tuyển sinh có tỉ lệ nhập học thấp.

Do vậy, theo vị này, cũng cần phải tính đến số lượng trúng tuyển “ảo” (tức là được thông báo trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học) của các trường.

“Không có quy định nào yêu cầu các trường chỉ được thông báo số lượng thí sinh trúng tuyển chính xác bằng đúng số chỉ tiêu. Theo quy định, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành; trong trường hợp một số ngành không tuyển sinh được thì các trường thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, có thể sắp xếp lại chỉ tiêu sang các ngành khác theo quy định”, vị này nói.

Vị này cho hay, đến thời điểm này, cũng chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh thông báo được trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là đã tuyển vượt quá chỉ tiêu theo quy định. Bởi thực tế, số lượng thí sinh có thể “ảo” khá nhiều.

Thời hạn báo cáo công tác tuyển sinh năm nay là ngày 31/12/2021, khi sinh viên chính thức nhập học và các trường đưa dữ liệu vào hệ thống báo cáo mới có con số chính xác để xác định vấn đề.

Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định để quản lý chỉ tiêu tuyển sinh và những trường nếu tuyển vượt sẽ chịu các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.

“Chế tài xử lý về tuyển sinh sẽ vẫn thực hiện theo quy định và không có ngoại lệ”.  

Đại diện Vụ Giáo dục Đại học cũng cho hay, phần mềm lọc ảo của Bộ GD-ĐT giúp giảm thiểu tình trạng thí sinh “ảo”, và đảm bảo mỗi thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng ở mức tốt nhất theo năng lực của thí sinh, chứ không giải quyết hết mọi vấn đề “ảo” của các trường, bởi thí sinh có quyền nhập học hoặc từ chối nhập học.

Trong trường hợp sau khi các thí sinh nhập học, nếu các trường thật sự tuyển vượt quá chỉ tiêu và chịu các chế tài xử lý thì các thí sinh vẫn được đảm bảo, không phải lo lắng, về quyền lợi trúng tuyển đại học của mình.

Bài liên quan
Vĩnh Phúc: Trường THPT Ngô Gia Tự đặt mục tiêu hơn 80% học sinh đỗ đại học qua xét điểm thi
(GDTĐ) - Năm học 2021-2022, Trường THPT Ngô Gia Tự (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đặt mục tiêu hơn 80% học sinh lớp trúng tuyển đại học qua điểm thi tổ hợp 3.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường đại học có số thí sinh trúng tuyển gấp gần 16 lần chỉ tiêu