Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ứng dụng công nghệ vào 35% tiết học

Hiếu Nguyễn | 04/01/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Việc Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) có kế hoạch ứng dụng công nghệ vào 35% tiết học trực tiếp là xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục.

Liên quan đến vấn đề này, TS Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng, cần lưu ý nội hàm của dạy học trực tuyến. Bởi lẽ trên thực tế triển khai và thông lệ của thế giới, tên gọi dạy học trực tuyến bao hàm khá nhiều mô hình.

Cụ thể hóa chuyển đổi số trong thực tiễn giáo dục ảnh 1
Ảnh minh họa/ INT

Có thể kể đến trực tuyến toàn phần bao gồm đồng thời và không đồng thời theo thời gian thực (giao tiếp hoàn toàn không tiếp xúc trực tiếp giữa người dạy và người học). Mô hình này, có thể lựa chọn một số môn để dạy trực tuyến trên nền tảng hỗ trợ quản lý dạy học (LMS, LCMS). Toàn bộ hoạt động dạy học, học tập, kiểm tra đánh giá được thực hiện trên đó, kèm theo có thể tổ chức các môn bổ trợ kiến thức, kỹ năng.

Tiếp đó là trực tuyến một phần theo tỷ lệ phù hợp (song song và kết nối với dạy học trực tiếp). Ví dụ, một số môn có thể chọn những nội dung, hình thức triển khai phù hợp để dạy trực tuyến cùng với trực tiếp.

Trực tuyến tích hợp đồng thời với trực tiếp (theo tỷ lệ thời gian và kết cấu chương trình, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá) là một hướng triển khai. Ví dụ, sử dụng một số nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thực hiện trực tuyến để tích hợp trong các giờ dạy trực tiếp. Học sinh chuẩn bị bài trực tuyến để trao đổi trực tiếp vào ngày hôm sau. Học sinh vẫn đến trường dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhưng học tập, mở rộng kiến thức, luyện tập thực hành, kiểm tra đánh giá trên nền tảng trực tuyến…

“Để làm được việc này, các nội dung trong Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT, Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, hướng dẫn khá đầy đủ”, TS Tôn Quang Cường cho biết.

Riêng với kế hoạch của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, theo TS Tôn Quang Cường, thể hiện nỗ lực và bước đột phá mới trong triển khai dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục ở phổ thông. Đưa gợi ý, TS Tôn Quang Cường cho rằng, ban giám hiệu cần rà soát chương trình giáo dục nhà trường, tái cấu trúc, phân rõ nội dung gắn với hình thức dự kiến triển khai (phần nội dung nào, hoạt động nào có thể thực hiện trực tuyến). Xây dựng các kịch bản triển khai (kế hoạch dạy học trực tuyến) cụ thể trên cơ sở sử dụng và vận hành đầy đủ các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý học tập (LMS, LCMS).

Cùng với đó, xây dựng kho học liệu, tài nguyên số phong phú theo các định dạng khác nhau (văn bản, âm thanh, hình ảnh, video bài giảng, thí nghiệm mô phỏng, website liên kết…), lưu trữ, phân phối, chia sẻ hiệu quả, bảo đảm sự tiếp cận linh hoạt cho người học. Xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ, kiểm tra đánh giá phù hợp.

Tập huấn nâng cao năng lực số cho giáo viên, học sinh, bao gồm cả phương pháp dạy học hỗn hợp trên nền tảng số, kỹ năng tổ chức hoạt động học tập và kiểm tra đánh giá học sinh trên nền tảng và công cụ số. Xây dựng, vận hành kiểm tra thử hệ thống hạ tầng công nghệ hỗ trợ dạy học trực tuyến đảm bảo chạy ổn định, an toàn lâu dài… trên cơ sở lựa chọn huy động sự tham gia công nghệ giáo dục có uy tín, năng lực.

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) cho rằng, những cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm dạy học trực tuyến tạo điều kiện thúc đẩy số hóa nhà trường. Tuy nhiên, đó không đơn giản là việc chuyển giờ học trực tiếp sang trực tuyến. Trong điều kiện bình thường, dạy học trực tuyến chỉ nên sử dụng dưới các hình thức phối hợp nhằm tăng cường hiệu quả của dạy học trực tiếp. Vì vậy, không chỉ là xây dựng mức độ, tỷ lệ thời gian, mà cần thiết kế chương trình giáo dục nhà trường từng bước theo hướng nhà trường số hóa.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cu-the-hoa-chuyen-doi-so-trong-thuc-tien-giao-duc-post621418.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cu-the-hoa-chuyen-doi-so-trong-thuc-tien-giao-duc-post621418.html
Bài liên quan
Nóng trong tuần: Tăng cường chuyển đổi số giáo dục; ổn định công tác tuyển sinh
Bộ GD&ĐT khẳng định tạo mọi thuận lợi cho thí sinh trong kỳ tuyển sinh 2022; Vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục; Bộ GD&ĐT Việt Nam là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ mới;… là những nội dung GD đáng chú ý.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ứng dụng công nghệ vào 35% tiết học