Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. |
Chuyên đề giám sát sẽ tập trung vào các nội dung: Đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 - 2022; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện hai Nghị quyết này, những kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Chuyên đề giám sát cũng sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp, kiến nghị để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 trong thời gian tới.
Đến thời điểm này, Đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã tiến hành hai phiên họp, cho ý kiến về các dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát và các đề cương báo cáo...
Đoàn giám sát cũng đã đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp triển khai khảo sát, điều tra xã hội học và đánh giá dư luận xã hội; Ban Dân nguyện tổng hợp kiến nghị cử tri; Viện Nghiên cứu lập pháp nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8. Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10).